Cấp bách di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm do bão số 3 gây ra


Tỉnh Hòa Bình kiến nghị Chính phủ di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, xây dựng khu tái định cư để bảo đảm an toàn cho người dân

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có mưa to đến rất to khiến nhiều nơi tăng mạnh nguy cơ sạt lở đất. Trước tình hình đó, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, xây d ựng khu tái định cư để di dân tập trung; hỗ trợ tỉnh cũng như các địa phương khu vực miền núi phía Bắc xây thêm đê kè chống sạt lở và các cầu thay thế ngầm… nhằm giảm bớt nguy hiểm cho người dân.

Nguy cơ sạt lở rất cao

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có mưa to đến rất to khiến nhiều nơi tăng mạnh nguy cơ sạt lở đất. Trong đó, nhiều nơi được cảnh báo có nguy cơ ở mức độ rất cao. Thực tế, nguy cơ đã biến thành sự thật khi vào sáng 8.9, trên tuyến đường tỉnh 433 đoạn từ xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) đến thị trấn Đà Bắc và đi hết địa bàn xã Tân Minh đã có trên 15 điểm sạt lở đất. Khối lượng đất đồi khá lớn sạt lở tràn ập xuống mặt đường 433 gây ách tắc giao thông hàng tiếng đồng hồ. Thương tâm nhất là vụ sạt lở đất vào nhà dân thuộc địa phận xóm Chầm, xã Tân Minh gây thiệt mạng 4 người trong 1 gia đình. Đó là hồi chuông cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm của sạt lở đất, đòi hỏi các cấp chính quyền và lực lượng chức năng khẩn cấp vào cuộc để ứng phó, kiểm soát nguy cơ thiên tai gây ra.

Trên phạm vi toàn tỉnh, từ đêm 7 - 9.9, nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất. Có điểm lượng đất, đá lên tới hàng trăm mét khối đổ tràn xuống vùi lấp mặt đường gây ách tắc, ảnh hưởng an toàn giao thông, chia cắt, cô lập nhiều địa bàn. Điển hình như xóm Cạn Thượng (xã Hợp Phong, Cao Phong); các xóm Chiềng An, Hiềng, Nà Lụt (xã Thành Sơn, Mai Châu); xóm Rằng (xã Cao Sơn, Đà Bắc)… Tính đến 7h30 ngày 9.9, tại các tuyến đường tỉnh đã xảy ra sạt lở taluy dương tại 75 vị trí với tổng khối lượng ước tính khoảng 9.150m3 đất đá có 11 điểm tắc đường. Đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đã tổ chức thu dọn, bảo đảm an toàn giao thông được 9/11 điểm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long kiểm tra, thị sát một số điểm sạt lở trên đường 433 đoạn qua xã Hòa Bình (TP. Hòa Bình). Ảnh: Lê Huệ  
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long kiểm tra, thị sát một số điểm sạt lở trên đường 433 đoạn qua xã Hòa Bình (TP. Hòa Bình). Ảnh: Lê Huệ  

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các địa bàn có lượng mưa cao nhất cũng chính là những nơi có nguy cơ bị sạt lở đất trong và sau mưa bão. Với lượng mưa đã tích tụ thời gian qua cộng với diễn biến mưa tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 thời gian tới, độ ẩm đất tại nhiều khu vực thuộc các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, thành phố Hòa Bình; đặc biệt, là 2 huyện vùng cao Đà Bắc và Mai Châu đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Do đó, hiển hiện nguy cơ sạt lở đất rất cao.

Trước tình hình mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sơ tán 1.228 hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, Hòa Bình đã phân công cụ thể lãnh đạo tỉnh phụ trách từng địa bàn, các lực lượng chủ chốt ứng trực 100% quân số, để ứng phó bão theo phương châm 4 tại chỗ. Cùng với đó, chú trọng rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các khu vực; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm đứt gãy, có nguy cơ sạt lở cao để chủ động di dời người dân đến khu vực bảo đảm an toàn; tổ chức đội xung kích trực 24/24h hướng dẫn giao thông và hỗ trợ người dân tại các điểm sạt lở…

Tập trung các biện pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả

Làm việc với tỉnh Hòa Bình về công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị, tỉnh khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường. Với tinh thần phải khắc phục ngay, nhanh nhất hệ thống đường sá, điện, viễn thông, trường học, bệnh viện… bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão. Đồng thời, phải làm và sửa chữa ngay nhà cho người dân có nhà bị sập đổ, ảnh hưởng do bão theo tinh thần không để người dân không có cái ăn, không có chỗ ở. Đặc biệt, phải tập trung nghiên cứu, triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở hiệu quả để bảo đảm đời sống an toàn, ổn định lâu dài cho người dân…

Trước yêu cầu cấp bách hiện nay, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long khẳng định, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung ứng phó và khắc phục thiệt hại, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho Nhân dân. Tập trung dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường. Khôi phục bước đầu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thông các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… để bảo đảm không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các nhà thầu thi công trên đường đang khai thác huy động máy móc, thiết bị, nhân lực cắm biển cảnh báo, rào chắn, thu dọn đất đá, bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục cử người trực ban và tổ chức kiểm tra tình hình bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ được giao quản lý để kịp thời đánh giá, chỉ đạo thực hiện cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu thiên tai nhằm mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 135 điểm dân cư (85 điểm nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn, 13 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét, 37 điểm thường xuyên bị ngập úng) có nguy cơ thiên tai cao với 6.000 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan có liên quan xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc thiên tai, sạt lở… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát sạt trượt; giảm thiểu tác động của thiên tai đối với đời sống con người. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, xây dựng khu tái định cư để di dân tập trung; hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc xây thêm các cầu để thay thế các ngầm, cũng như đê kè chống sạt lở… giảm bớt nguy hiểm cho người dân.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn