Chủ nghĩa khủng bố vẫn còn “đất sống”

Khủng bố được xem như một hiểm họa, là mối đe dọa đến sự ổn định chính trị, kinh tế, tài chính đối với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, ở bất kỳ ở đâu và thời điểm nào. Còn nhớ, sự kiện kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã làm thiệt mạng gần 3.000 người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền chính trị, kinh tế nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Ngay sau sự kiện thảm khốc đó, mặc dù cộng đồng quốc tế đã thực hiện nhiều cuộc chiến không khoan nhượng đối với chủ nghĩa khủng bố trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp các cuộc chiến chống vấn nạn này 13 năm trôi qua, chủ nghĩa khủng bố vẫn còn “đất sống”. Chủ nghĩa khủng bố không những không suy giảm mà còn bùng phát, len lỏi tới khắp nơi trên thế giới với những cuộc tàn sát ngày càng đẫm máu hơn.

Lý giải cho tình trạng này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo và cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do sự tồn tại của các nguồn lực tài trợ cho khủng bố - nguồn cung cấp cơ sở tài chính cho các hoạt động khủng bố trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Nói cách khác, tài trợ khủng bố chính là “nguồn sống” của các tổ chức khủng bố.

Thách thức đặt ra cho các quốc gia trên thế giới là hoạt động tài trợ cho khủng bố đang ngày càng trở nên phân tán và phức tạp hơn; Các đối tượng thực hiện hành vi tài trợ khủng bố có thể “núp bóng” dưới các hệ thống tài chính quốc gia và tài chính quốc tế để chuyển các khoản tiền phục vụ cho hoạt động khủng bố. Thậm chí, các nguồn tiền này còn được “ngụy trang” hết sức tinh vi, dưới hình thức các quỹ, các tổ chức từ thiện… Cách đây không lâu, ông William Shawcross, Chủ tịch Ủy ban Từ thiện của Anh cho biết, hiện tại Anh có 3 tổ chức từ thiện đang bị điều tra do bị nghi ngờ tham gia gây quỹ cho nhóm khủng bố ở Syria và 7 tổ chức khác. 3 tổ chức này hiện đang bị giám sát cùng một số cá nhân đã bị bắt giữ với cáo buộc sử dụng tiền quyên góp cho các nạn nhân trong cuộc xung đột ở Syria vào các hoạt động khủng bố và tội phạm…

Như vậy, chống tài trợ khủng bố là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hoạt động của các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tài trợ khủng bố trên phạm vi quốc tế, đòi hỏi sự quyết liệt, nỗ lực phối hợp của tất cả các quốc gia, từ đó cắt đứt nguồn cung cấp tài chính, đảm bảo rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế sẽ không còn nơi trú ẩn an toàn nào nữa!

Toàn cầu chống tài trợ khủng bố

Năm 1999, trước mối quan ngại về chủ nghĩa khủng bố ngày càng gia tăng, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố (Công ước được 132 nước ký, 112 nước phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2002). Công ước yêu cầu các nước đã phê chuẩn, phải hình sự hóa chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức khủng bố và hành vi khủng bố. Theo đó, bất kỳ người nào cung cấp hoặc quyên góp tiền với ý định tài trợ hoặc sử dụng để tiến hành bất kỳ một hành vi khủng bố nào, sẽ được xem là hành vi bất hợp pháp.

Từ sau vụ khủng bố tháng 9/2001 tại Mỹ, FATF đã mở rộng trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tài trợ khủng bố và xây dựng 9 khuyến nghị đặc biệt chống tài trợ khủng bố. Hiện tại, FATF đã quy tụ 34 quốc gia thành viên, 2 quốc gia quan sát viên và 5 tổ chức khu vực là thành viên liên kết.

Cùng với đó, mở rộng cuộc chiến chống tài trợ khủng bố trên phạm vi toàn cầu, Nghị quyết số 1373 đã được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 28/9/2001, trong đó đưa ra các biện pháp, yêu cầu các nước phải ngăn chặn mọi hình thức hỗ trợ cho các nhóm khủng bố; Trừng trị việc cung cấp nơi ẩn náu an toàn hoặc hỗ trợ cho những kẻ khủng bố, bao gồm phong tỏa các quỹ hoặc tài sản của những cá nhân, tổ chức hoặc thực thể liên quan đến hành động khủng bố; Cấm sự hỗ trợ chủ động hoặc thụ động cho những kẻ khủng bố; Hợp tác với các nước khác trong việc điều tra tội phạm và chia sẻ thông tin về các hoạt động khủng bố.

Trước đó, góp phần chặn nguồn lực nuôi dưỡng khủng bố, năm 1989, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) nhằm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế mới về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Thực thi nhiệm vụ của mình, FATF đã cụ thể hóa các biện pháp bằng 9 khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố nhằm phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các hành động khủng bố và tài trợ khủng bố, bao gồm:

Thứ nhất, phê chuẩn và thực hiện các công cụ của Liên Hợp Quốc;

Thứ hai, hình sự hoá hành vi tài trợ cho khủng bố và rửa tiền kèm theo;

Thứ ba, phong tỏa và tịch thu tài sản của các đối tượng khủng bố;

Thứ tư, báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến chủ nghĩa khủng bố;

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế;

Thứ sáu, theo dõi loại hình chuyển tiền thay thế;

Thứ bảy, đầy đủ thông tin trong Chuyển tiền điện tử;

Thứ tám, giám sát các tổ chức phi lợi nhuận;

Thứ chín, kiểm soát người vận chuyển tiền tệ.

Nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tài chính trong cuộc chiến chống tài trợ khủng bố là rất quan trọng, Nhóm các ngân hàng Wolfsberg (gồm 12 ngân hàng toàn cầu - đại diện cho các tập đoàn ngân hàng tư nhân hàng đầu quốc tế) đã ra tuyên bố về chống tài trợ cho khủng bố, về vai trò của các tổ chức tài chính trong cuộc chiến chống tài trợ cho khủng bố. Đồng thời, khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác và áp dụng những khuyến nghị đặc biệt của FATF trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, các tổ chức tài chính cần tham gia, đóng góp tích cực vào mục tiêu quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố trên cơ sở 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF. Ngoài ra, các tổ chức tài chính cần hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong cuộc chiến chống tài trợ cho khủng bố thông qua các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và chia sẻ thông tin, chính sách. Không những thế, cần tăng cường phát hiện và tìm kiếm các giao dịch đáng ngờ; danh sách các phần tử khủng bố đã biết hoặc thuộc dạng đáng ngờ. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp tăng cường chú ý tới khách hàng, nhất là các khách hàng đã được các cơ quan có thầm quyền nhận diện.

                                                                                     Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 8-2014

Cắt đứt “huyết mạch” của khủng bố quốc tế

Trang Trần

(Tài chính) Những thiệt hại to lớn về người và tài sản sau các cuộc khủng bố đẫm máu trên thế giới, nhất là tại Mỹ, Ấn Độ, Palestine, Israel vừa qua… đòi hỏi một sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong ngăn chặn khủng bố quốc tế, cốt lõi là làm sao “cắt đứt” huyết mạch của tài trợ khủng bố quốc tế.

Xem thêm

Video nổi bật