“Cây gậy” mới để tạo hàng cho thị trường chứng khoán

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) “Cây gậy” mới để tạo hàng cho Thị trường chứng khoán (TTCK) đã được Chính phủ trao cho ngành chứng khoán.

“Cây gậy” mới để tạo hàng cho thị trường chứng khoán
“Cây gậy” mới để tạo hàng cho Thị trường chứng khoán đã được Chính phủ trao cho ngành chứng khoán. Nguồn: internte
Trừ giai đoạn TTCK Việt Nam tăng trưởng nóng 2006-2008, ở các năm khác, công tác tạo hàng cho TTCK luôn là câu chuyện không dễ dàng.

Giai đoạn đầu TTCK thiếu hàng, chính sách ưu đãi thuế thu nhập 3 năm cho các doanh nghiệp (DN) lên niêm yết đã được Chính phủ cho phép áp dụng. Từ năm 2009 đến nay, TTCK bước vào giai đoạn suy giảm kéo dài, để thu hút DN lên sàn khi chính sách ưu đãi thuế không còn hiệu lực, là một câu hỏi lớn với ngành chứng khoán.

Năm 2012 là năm đầu tiên TTCK có biểu hiện bất thường về số DN lên sàn và số DN hủy niêm yết khi năm này, TTCK có thêm 25 loại “hàng mới”, nhưng có tới 21 “hàng cũ” bị hủy niêm yết. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi 9 tháng đầu năm nay, toàn TTCK chỉ có thêm 12 loại cổ phiếu mới niêm yết, nhưng có tới 28 loại cổ phiếu phải rời sàn. Bên cạnh đó, DN niêm yết mới đều có quy mô vốn vừa và nhỏ, thiếu vắng các tên tuổi lớn, nên không tạo được sức hút đáng kể nào với các dòng tiền đầu tư.

Làm thế nào để các DN, nhất là các DN lớn lên niêm yết là vấn đề mà ngành chứng khoán, đặc biệt là 2 Sở giao dịch chứng khoán đang phải đối diện. Các Sở cần DN lên sàn để khẳng định vị thế của mỗi Sở, thu hút công chúng đầu tư, thúc đẩy thanh khoản, thúc đẩy tính hiệu quả của TTCK, đồng thời đó cũng là cách trực tiếp tạo thêm nguồn thu phí (niêm yết, giao dịch, lưu ký…) cho nhà quản lý. Nhưng những lý lẽ của thị trường đang không đủ sức thuyết phục DN vào sàn.

Ở các TTCK thế giới, khi DN phát hành chứng khoán ra công chúng là gắn chặt với hoạt động niêm yết, nhưng ở Việt Nam, đây là hai quá trình tách biệt. Chính yếu tố này khiến cơ quan quản lý TTCK cứ như phải “chạy theo” DN để khích lệ, thuyết phục DN niêm yết. Nhưng dù có nỗ lực, nhiều DN vẫn từ chối lên sàn và biện pháp của nhà quản lý, nếu có, cũng chỉ là phạt hành chính một vài chục triệu đồng mà thôi.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 108/2013/NĐ-CP có hiệu lực (15/11/2013), bằng quy định cụ thể và mạnh mẽ, Chính phủ đã tạo thêm những áp lực mới buộc DN đại chúng phải lên sàn. Không phải vì lợi ích của các Sở GDCK hay TTCK, mà xét cho cùng, khi DN ở quy mô đủ lớn, niêm yết là con đường tốt nhất để thực thi sự minh bạch, thực thi trách nhiệm với cổ đông.

Theo Nghị định 108, DN đã huy động vốn từ công chúng, nếu không niêm yết sau 1 năm, sẽ phải hoàn trả tiền gốc và lãi cho các nhà đầu tư có yêu cầu. Khi ĐTCK đưa thông tin về nội dung này, nhiều DN và nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ với quy định mới của Chính phủ và cũng có một ý kiến nghi ngờ về khả năng thực thi, do khoản tiền DN huy động được từ công chúng sau 1 năm, khó có thể mang hoàn trả cho các nhà đầu tư góp vốn. Tuy nhiên, đề xuất quy định này, Uỷ ban chứng khoán đã có sự cân nhắc, với việc dự liệu những biện pháp phù hợp để thực thi.

Dù còn là câu chuyện của tương lai 2014 (do Nghị định 108 bắt đầu có hiệu lực từ 15/11/2013), nhưng bằng quy định trên, “cây gậy” mới để tạo hàng cho TTCK đã được Chính phủ trao cho ngành chứng khoán. Kết quả tạo hàng cụ thể chỉ còn phụ thuộc vào ý thức của DN và trách nhiệm thực thi của nhà quản lý ngành này.