"Chai mặt" đòi nợ ngân hàng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Một số doanh nghiệp (DN) đang khốn khổ vì ngân hàng cứ "nhùng nhằng" chưa thanh toán bảo lãnh cho các giao dịch mua bán hàng hóa, phát hành trái phiếu thực hiện từ lâu. Đòi nợ không được mà kiện cáo cũng không xong, DN đã bị hớ nặng...

"Chai mặt" đòi nợ ngân hàng
DN khốn khổ vì nhiều ngân hàng từ chối thanh toán bảo lãnh. Nguồn: internet
Vụ việc Seabank từ chối thanh toán bảo lãnh cho lô trái phiếu DN trị giá 150 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar gây ầm ĩ hơn 1 năm qua, hiện vẫn chưa có hồi kết. Dù bên mua trái phiếu - Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) liên tục hối thúc trả nợ, Vina Megastar vẫn chây ỳ không trả tiền, còn Ngân hàng cũng không đả động đến nghĩa vụ bảo lãnh (!?)

Bảo lãnh lạ lùng?

Được biết, năm 2011, VVF đã mua toàn bộ lô trái phiếu này sau khi thẩm định tính khả thi, năng lực của DN và tính pháp lý của thư bảo lãnh do Seabank phát hành (bảo lãnh do bà Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Tổng giám đốc Seabank được ủy quyền ký).

Tin tưởng vào bảo lãnh của Seabank, nên đến năm 2012, VVF đã "ăn quả đắng" khi không thể thu hồi được số tiền 150 tỷ đồng, vì Vina Megastar không có tiền trả nợ, còn Seabank cho rằng thư bảo lãnh này là trái pháp luật, không có giá trị pháp lý (ký vượt thẩm quyền hạn mức tín dụng, hồ sơ không nhập hệ thống…).

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của VVF cho rằng mặc dù VVF nhiều lần gửi thông báo yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng đến giờ vẫn không đòi được đồng nào. Khoản nợ 150 tỷ đồng đã quá hạn hơn 1 năm, vẫn "treo" lơ lửng trên hệ thống mà chưa có hướng xử lý rõ ràng.

"Đại diện VVF đã nhiều lần làm việc với Seabank về khoản nợ bảo lãnh trái phiếu này nhưng họ không có ý kiến chính thức trả lời bên chúng tôi. Họ cũng không từ chối thanh toán bảo lãnh!?", vị lãnh đạo này nói và cho biết nếu các bên vẫn chây ỳ không trả nợ thì Công ty sẽ phải khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi của mình, thu hồi nợ.

Được biết, khi VVF liên tục hối thúc trả nợ, Vina Megastar đã làm việc với VVF và Seabank để xin gia hạn trái phiếu, thời gian bảo lãnh thêm 2 năm nữa (đến ngày 19/10/2014). Dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông) đang đầu tư dở dang của Vina Megastar được Ngân hàng "gợi ý" dùng làm tài sản bảo đảm cho việc gia hạn này. Do không thống nhất được, VVF đã phải báo cáo sự việc lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhờ can thiệp để sớm thu hồi 150 tỷ đồng đã đầu tư.

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Trường Phú (Hải Dương) cũng đang khổ sở vì không đòi được 25 tỷ đồng tiền bán hàng cho đối tác suốt 1 năm qua. Do tin tưởng vào 2 bảo lãnh thanh toán do Ngân hàng Quân đội (MB) Chi nhánh Hoàn Kiếm phát hành, Công ty Trường Phú đã đồng ý cho bên mua hàng - Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Thiên Phú (Hà Nội) trả chậm.

Tổng trị giá của 2 bảo lãnh này tối đa là 26 tỷ đồng, đảm bảo trả nợ thay cho số tiền mua hàng của Công ty Thiên Phú theo các hợp đồng, phụ lục đã ký kết. Thế nhưng, số nợ 25 tỷ đồng đã quá hạn từ lâu mà đối tác cũng không có động tĩnh trả nợ. Còn phía MB vẫn chưa đồng ý thanh toán bảo lãnh

với lý do lô hàng dây đồng đã giao không đúng chủng loại, quy cách như hợp đồng. Phía MB cho biết hồ sơ vụ việc đã được gửi sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để xác minh, làm rõ, sau đó, ngân hàng mới quyết định có thanh toán 2 bảo lãnh hay không.

Cái "nợ đồng lần"

Trong hoạt động bảo lãnh, thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành có giá trị như một cam kết sẽ trả nợ thay cho DN trong các giao dịch mua bán hàng hóa, thanh toán nước ngoài, phát hành trái phiếu… Khi đến hạn thanh toán, DN không có khả năng trả tiền cho đối tác thì ngân hàng sẽ phải trả thay một phần hoặc toàn bộ số tiền còn thiếu, ghi nhận nợ của DN.

Ở một số trường hợp, ngân hàng có thể từ chối thanh toán bảo lãnh nếu phát hiện ra lỗi trong hồ sơ, giấy tờ, giao dịch… không thỏa mãn các điều kiện trong thư bảo lãnh. Đơn cử như trường hợp một công ty dệt may xuất khẩu ở Nam Định đã bị chi nhánh Techcombank từ chối thanh toán bảo lãnh cho lô hàng nguyên liệu bông nhập khẩu vì lý do lỗi chứng từ, chậm nộp hồ sơ…

Nhưng không hiếm trường hợp ngân hàng viện những lý do không thỏa đáng để từ chối nghĩa vụ bảo lãnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của DN được thụ hưởng bảo lãnh. Thời gian qua, một số DN ở phía Nam đã khởi kiện chi nhánh ngân hàng Agribank vì từ chối nghĩa vụ bảo lãnh. Kết quả, tòa án đã tuyên ngân hàng thua kiện, buộc phải thanh toán bảo lãnh.

Dù vẫn liên tục đòi nợ ngân hàng, vị lãnh đạo của VVF không khỏi ngao ngán khi tranh cãi kéo dài quá lâu và thái độ "lửng lơ" của ngân hàng: không từ chối bảo lãnh nhưng không trả tiền. Do đó, sắp tới, VVF sẽ trình Hội đồng quản trị các phương án xử lý khoản nợ 150 tỷ đồng, trong đó có thể sẽ phải khởi kiện ra tòa.

Hiện nay, VVF đang phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư 150 tỷ đồng, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng đáng kể. Khoản nợ 150 tỷ đồng hiện chiếm tới 1/6 tổng dư nợ của VVF, lại không có tài sản đảm bảo của Megastar, nên khả năng đòi nợ đang rất mong manh. Món nợ bảo lãnh này - như đại diện VVF từng chia sẻ, chỉ là "khoản đầu tư nhỏ", nhưng lại phức tạp nhất, làm giảm sút niềm tin vào đối tác trong hoạt động thanh toán bảo lãnh và gây nợ xấu lớn cho tổ chức này.