Chấm dứt tình trạng chồng chéo trong xúc tiến đầu tư
(Tài chính) Dòng vốn đầu tư vào khu vực Tây Nguyên đang được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi 5 tỉnh Tây Nguyên cùng quyết định tạo ra một sự liên kết hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm cải thiện môi trường đầu tư của cả vùng.
Luôn được coi là một địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội và cả về an ninh quốc phòng, nhưng hiện tại Tây Nguyên vẫn chưa phải là một khu vực hấp dẫn với dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2013, toàn khu vực Tây Nguyên có 139 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn FDI đăng ký (kể cả cấp mới và tăng vốn) đạt gần 811,8 triệu USD, chiếm khoảng 17,5% về số dự án và 3,2% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bằng 0,8% về số dự án và 0,3% về tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.
Những con số trên quả là rất khiêm tốn so với tiềm năng của khu vực được cho là có nhiều tài nguyên, khoáng sản và có lợi thế lớn về phát triển du lịch và nông nghiệp.
Một đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, một trong những nguyên do là công tác xúc tiến đầu tư tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chủ yếu là mỗi địa phương tiến hành đơn lẻ, thiếu sự hợp tác, liên kết trong vùng để tạo ra tác động lớn hơn.
Thực ra, câu chuyện về thiếu sự liên kết trong xúc tiến đầu tư đã được nói đến rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là công tác xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã từng nhiều lần kể về chuyện cùng một lúc hai sự kiện xúc tiến đầu tư của hai địa phương khác nhau đã cùng diễn ra tại một khách sạn tại Nhật Bản, không chỉ gây khó khăn cho việc tìm hiểu thông tin của các nhà đầu tư, mà còn tác động bất lợi tới hình ảnh về công tác xúc tiến đầu tư.
Đối với những vùng khó khăn như Tây Nguyên, việc liên kết công tác xúc tiến đầu tư giữa các tỉnh với nhau lại đang là một yêu cầu cấp thiết để cải thiện môi trường đầu tư. Thực tế cũng đã chứng minh, qua hai lần tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên trong năm 2009 và đầu năm nay, việc liên kết trong quảng bá hình ảnh của khu vực tới các nhà đầu tư đã mang lại kết quả tích cực.
Cụ thể, trong diễn đàn xúc tiến diễn ra vào tháng 4 năm nay, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư gần 24.000 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên. Và theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đơn vị tài trợ vốn cho nhiều dự án tại đây, các nhà đầu tư vẫn đang triển khai tích cực những dự án đã được cam kết.
Tại Hội nghị “Liên kết Xúc tiến đầu tư và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội Tây Nguyên 2013” được tổ chức tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đầu tuần này, sự liên kết này sẽ được tăng cường hơn nữa nhờ vào một thỏa thuận được ký kết giữa 5 tỉnh bao gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum. Có lẽ, lần đầu tiên trong cả nước có nhiều tỉnh cùng ký kết thỏa thuận hợp tác trong công tác xúc tiến đầu tư đến như vậy.
Theo lãnh đạo của các địa phương, đây là sự liên kết bình đẳng, các bên cùng có lợi, trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển.
Mục tiêu của sự liên kết này là tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế giao lưu và phối hợp giữa các trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, các địa phương sẽ phối hợp đón các nhà đầu tư nước ngoài đến khu vực Tây Nguyên tìm hiểu môi trường đầu tư, cũng như tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư chung tại nước ngoài... Nếu làm được như vậy, thì việc thu thập thông tin của các nhà đầu tư tại khu vực này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn.