Chặn tham nhũng chính sách


Lo ngại nhất là tham nhũng chính sách, bởi chính sách đó sẽ dẫn tới có lợi cho người có chức vụ vụ lợi. Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bày tỏ lo ngại như vậy tại Hội thảo khoa học Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề lý luận và thực tiễn do Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức mới đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dù chưa có một khái niệm mang tính pháp lý, nhưng gần đây khái niệm “tham nhũng chính sách” được nhiều người nhắc đến. Đây được hiểu là một loại hình tham nhũng đặc biệt, mà ở đó những cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã cố tình tìm cách "cài cắm" lợi ích của bộ, ngành mình vào trong các quy định một cách kín đáo, khéo léo. Nếu cơ quan làm nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra không chặt rất khó để phát hiện, để phản biện và ngăn chặn kịp thời.

Chúng ta chia sẻ với lo ngại của ông Thể về tình trạng tham nhũng chính sách. Bởi lẽ, tham nhũng chính sách nếu không được phát hiện và “tuýt còi” kịp thời có thể tạo ra một "hành lang pháp lý" đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước. Một chính sách được xây dựng, ban hành bởi lợi ích của riêng ngành được đặt lên trên hết sẽ là một chính sách méo mó, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn lực đất nước. Và không ai khác, người dân, doanh nghiệp sẽ trở thành nạn nhân của những chính sách méo mó này.

Xã hội muốn phát triển đòi hỏi phải có một thể chế hoàn chỉnh, thể chế ấy không bị “khuyết tật” bởi lợi ích không vì cái chung. Lãnh đạo đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng pháp luật phải chống cho được lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, đặc biệt cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó.

Việc bảo vệ lợi ích bộ, ngành trong quá trình xây dựng chính sách là tâm lý rất khó tránh khỏi. Tuy vậy, để phát hiện được lợi ích riêng được "cài cắm" không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ, hệ lụy của chính sách là điều rất khó nhận biết ngay từ đầu. Một chuyên gia pháp luật cảnh báo, lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại.

Được coi là “khắc tinh” của tham nhũng chính sách chính là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đạo luật này có những quy định rất rõ ràng về công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. Tiếc rằng, trên thực tế vẫn còn có rất nhiều văn bản trái luật được soạn thảo và ban hành không theo những quy định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế - xã hội của văn bản một cách toàn diện, thấu đáo, gây bức xúc dư luận. Điều này có thể có nguyên nhân từ năng lực trình độ của cán bộ thực thi nhiệm vụ thẩm định những văn bản này còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có thể có nguyên nhân từ việc cài cắm lợi ích của riêng bộ, ngành nào đó.

Để ngăn chặn tham nhũng chính sách, rất cần đội ngũ làm công tác thẩm định đủ năng lực, trình độ. Bộ Tư pháp phát huy vai trò “gác cửa” trong công tác xây dựng pháp luật cần phối hợp với các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo để có đánh giá, thẩm định đúng sự tác động của chính sách. Cùng với đó các cơ quan thẩm tra như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội kiên quyết nói không với những dự thảo kém chất lượng, có dấu hiệu tham nhũng chính sách.

Pháp luật điều chỉnh chung và thúc đẩy quan hệ xã hội. Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo luật. Do đó, liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết. Có như vậy mới có được những văn bản pháp luật hoàn chỉnh, khách quan, thúc đẩy xã hội phát triển.