Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ không tác động quá lớn đến chất lượng tín dụng
Theo FiinRatings, dù các ngân hàng thương mại đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) qua kênh phát hành sơ cấp ở mức khá lớn, song quy mô tín dụng trái phiếu hiện ở mức 273,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, tức chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, có khả năng các sự kiện gần đây sẽ không có tác động quá lớn đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo FiinRatings, hiện nay, các ngân hàng thương mại đã tham gia mua TPDN qua kênh phát hành sơ cấp ở mức khá lớn, chiếm 36 % năm 2021 trong tổng giá trị phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN là cần thiết. Động thái này không chỉ nhằm kiểm soát chất lượng nợ xấu, nhất là với các ngân hàng có chất lượng tài sản yếu, kiểm soát quy mô tín dụng BĐS mà quan trọng hơn là kiểm soát các hoạt động luân chuyển tín dụng giữa hai kênh trái phiếu và tín dụng cho vay của ngân hàng thông qua các nghiệp vụ tái tài trợ, tái cấu trúc vốn hoặc hay có thể là “đảo nợ” giữa hai kênh này.
Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay, các quy định về việc mua bán TPDN của các tổ chức, cá nhân, trong đó có các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN rất đầy đủ và chặt chẽ. Cụ thể, theo Điều 4, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng được mua, bán TPDN phù hợp với nội dung mua, bán TPDN ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Việc mua, bán TPDN của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán TPDN phù hợp với quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải tuân thủ các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về góp vốn, mua cổ phần và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua TPDN.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi:
Thứ nhất, TPDN đáp ứng quy định tại Điều 5 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.
Thứ hai, mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương án).
Thứ ba, doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành TPDN; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án.
Thứ tư, phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
Thứ năm, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua TPDN.
Thứ sáu, ngoài việc đáp ứng các quy định khác tại Điều này, tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất.
Đồng thời, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN cũng quy định rõ, tổ chức tín dụng không được mua TPDN trong các trường hợp sau: TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Bên cạnh đó, số liệu của FiinRatings chỉ ra rằng, quy mô tín dụng trái phiếu hiện ở mức 273,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, tức chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, các sự kiện hiện nay có khả năng sẽ không có tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Ở góc độ chất lượng tín dụng ngân hàng, FiinRatings kỳ vọng quy mô này có thể được duy trì hoặc tiếp tục tăng nhưng có sự chọn lọc ở những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản tốt hơn (nợ xấu dưới 3 theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước) và có mức độ tín dụng phân bổ cho ngành BĐS vẫn ở mức thấp theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước nói chung và những yêu cầu cụ thể của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN nói riêng.
Tuy nhiên, FiinRatings cũng khuyến cáo về rủi ro khi mà “tính đại chúng của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đã không chỉ lớn về quy mô mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và cá nhân nhỏ lẻ thông qua hoạt động phân phối lại trái phiếu được phát hành dưới hình thức phát hành riêng lẻ từ các tổ chức liên quan như tư vấn và phân phối trên thị trường trong thời gian qua” như trong báo cáo “Những điều chỉnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hướng tới phát triển bền vững” của tổ chức này.