Châu Âu chối bỏ lộ trình của Mỹ

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Điều gì đang đe dọa các thị trường thế giới? Tại sao các thị trường thay vì chú trọng những điểm sáng của nền kinh tế Mỹ lại chỉ quan tâm tới những tin xấu từ châu Âu?

Châu Âu chối bỏ lộ trình của Mỹ
Eurozone lại trở thành mối quan ngại hàng đầu. Nguồn: internet

Đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn nhưng không đồng đều và yếu hơn dự báo. Kèm theo đó là những nguy cơ đe dọa sự hồi phục mong manh này như bất ổn địa - chính trị gia tăng ở Ukraine, Trung Đông và bùng phát dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Dù rằng kinh tế Mỹ, Anh và một số nền kinh tế mới nổi có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, song thực trạng kinh tế yếu kém trên toàn cầu, nhất là tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nhật Bản… trong nửa đầu năm nay đã khiến các định chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.

Eurozone lại trở thành mối quan ngại hàng đầu. Khu vực này được đánh giá đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng rơi vào một cuộc suy thoái mới. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone xuống 0,8% và 1,3% trong năm 2014 và 2015. Nhu cầu yếu kéo lạm phát đi xuống, hiện ở mức thấp 0,3% và là yếu tố có thể đẩy Eurozone vào suy thoái.

Trong bức tranh kinh tế còn ảm đạm năm 2014 và 2015, châu Á và Mỹ nổi lên như hai điểm sáng hiếm hoi. Mặc dù có phần tăng trưởng chậm lại so với cách đây vài năm, song châu Á vẫn là động lực tăng trưởng chủ chốt của kinh tế toàn cầu với tăng trưởng được dự báo khoảng 5,5% từ năm 2014 đến 2015.  

Cùng với châu Á, Mỹ cũng được đánh giá là điểm sáng kinh tế hiếm hoi. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này được đánh giá là có mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ hơn so với các nước phát triển khác, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Thị trường nhà đất cũng đang đà hồi phục. Điều này đang thu hút các nhà đầu tư đua nhau mua vào đồng USD. 

 Tuy nhiên, mối lo Eurozone đã làm lu mờ sự khởi sắc của kinh tế Mỹ. Theo các chuyên gia, điều này không do sự yếu kém của nền kinh tế lục địa Già, mà còn do các nhà hoạch định chính sách của EU không có khả năng hoặc không phản ứng linh hoạt.

Giới chuyên gia lập luận kinh tế châu Âu suy giảm đã xảy ra nhiều tháng trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tại Ukraine và nước lớn áp đặt trừng phạt Nga, ảnh hưởng đà tăng trưởng của Đức - vốn là điểm sáng hiếm hoi của châu Âu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp tại Đức không quá lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh trừng phạt vì cho rằng các chính khách và thống đốc ngân hàng châu Âu sẽ tung ra các chính sách kích thích nền kinh tế như đã từng phát huy rất hiệu quả tại Mỹ cách đây 5 năm. Chính niềm tin này đã giúp thị trường chứng khoán toàn cầu và Mỹ giữ được các chỉ số cao kỷ lục trong mùa hè vừa qua, bất chấp châu Âu vẫn phát đi những dấu hiệu đáng lo ngại.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, tin xấu từ châu Âu ngày càng nhiều, khiến các thị trường chao đảo. Các nhà kinh tế lý giải rằng châu Âu đã không đi theo Mỹ trong các quyết sách phục hồi kinh tế. Nếu như Mỹ đi tiên phong với các phản ứng chính sách trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - cụ thể là nới lỏng tiền tệ, duy trì tỷ lệ lãi suất gần bằng 0%, chấp nhận thâm hụt ngân sách kỷ lục (tương đương 10% GDP), kinh tế trì trệ trong một vài năm tiếp theo - và đã thành công bước đầu, thì công thức này lại không được châu Âu học tập.

Trái với mong đợi về một biện pháp mạnh mẽ hơn, trong cuộc họp đầu tháng, ECB chỉ tuyên bố sẵn sàng tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế thông qua việc mua trái phiếu trên quy mô lớn nếu cần thiết nhằm tránh để Eurozone rơi vào tình trạng giảm phát, song không nêu thời gian cụ thể.

Theo các chuyên gia, châu Âu đã gián tiếp từ chối đi theo lộ trình khôi phục nền kinh tế của Mỹ. Và nếu vậy, kinh tế Mỹ có khởi sắc đến đâu cũng không thể tác động tới đà phục hồi của kinh tế châu Âu. Điều này sẽ kéo theo hệ lụy là nền kinh tế thế giới có thể suy giảm trong khi tiềm ẩn nguy cơ cao tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chính mới tại châu Âu. Rõ ràng, giới chuyên gia có lý do để quan ngại.