Châu Âu quyết tâm chống trốn thuế

Theo Thời báo Ngân hàng

Truy thuế đang là ưu tiên của chính phủ các nước. Các tập đoàn lớn trên thế giới đang đối mặt với các vụ kiện pháp lý cùng những khoản phạt liên quan đến trốn thuế. Nhiều tập đoàn của Mỹ liên quan đến ngành truyền thông đang trong tầm ngắm của các nhà làm thuế của các nước châu Âu...

Châu Âu quyết tâm chống trốn thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: federaltax.net

Khẳng định quyết tâm

Bộ trưởng tài chính sáu nước trong Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan cuối tuần qua đã nhất trí đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn trốn thuế khi thông qua kế hoạch thúc đẩy tính minh bạch của hệ thống các ngân hàng trong khu vực để chống lại các thiên đường trốn thuế và chấm dứt cái gọi là "bí mật ngân hàng".

Kế hoạch minh bạch hóa ngành ngân hàng sẽ dựa vào biện pháp chia sẻ thông tin liên quốc gia về các giao dịch tài chính. Quyết định trên sẽ tăng sức ép đối với Áo - quốc gia EU duy nhất phản đối việc chia sẻ thông tin để bảo vệ tính bí mật của ngân hàng được ghi trong Hiến pháp nước này.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici, không ai có thể phủ nhận tính bí mật của ngành ngân hàng đã lỗi thời và việc 6 nước EU cùng hành động "sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ mà không ai có thể cản được". Theo ông, “có một ngọn gió đang thổi vào EU để xóa đi những mập mờ, những cản ngại từ bí mật ngân hàng”.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, nạn trốn thuế làm châu Âu thiệt hại 1.000 tỷ euro/năm. Theo ông, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 22/5 tới. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói, các nước châu Âu muốn gửi thông điệp đến những kẻ muốn trốn thuế rằng những nơi có thể trốn thuế “ngày càng hiếm hoi và càng nhỏ bé hơn, cho dù cuộc chiến chống nạn trốn thuế thực sự là một thử thách".

Bộ trưởng tài chính 6 nước EU nói trên cũng cho rằng cuộc chiến chống trốn thuế cần được mở rộng ra toàn cầu thông qua các cơ quan quốc tế, nhất là tại các hội nghị sắp tới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm G20 hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Vén màn... trốn thuế

Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) mới đây đã công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính toàn cầu được coi là lớn nhất từ trước đến nay. ICIJ vốn là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1997 nhằm tổ chức cho các phóng viên cùng hợp tác điều tra, phanh phui các vụ tham nhũng. ICIJ đã phanh phui “các thiên đường trốn thuế” trên toàn cầu, phơi bày bí mật của hơn 120.000 chi nhánh nước ngoài của nhiều công ty và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân, tại hơn 170 quốc gia.

Cuộc điều tra dựa vào 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin mật nằm trong một ổ cứng mà tổ chức này bí mật nhận được. ICIJ cho biết vụ việc “có thể trở thành sự hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí thế giới”. Để có được kho dữ liệu, ICIJ đã hợp tác với 86 nhà báo và nhiều tòa soạn tại 46 quốc gia (BBC ở Anh, Le Monde ở Pháp, Süddeutsche Zeitung và Norddeutscher Rundfunk ở Đức, Washington Post ở Mỹ…), cùng nhiều chuyên viên lập trình tại Đức, Anh, Costa Rica có nhiệm vụ xử lý tinh lọc dữ liệu.

Theo báo cáo của ICIJ, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Clariden, UBS (đều của Thụy Sỹ) và Deutsche Bank (Đức) đã cho phép khách hàng thành lập các công ty bí mật tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, các cá nhân bị ICIJ phanh phui "có liên quan đến các hoạt động kinh doanh không khai báo thuế" bị phát hiện đặt trụ sở kinh doanh ở khắp mọi nơi: quần đảo Cook (New Zealand), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Azebaijan, Nga, Canada, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ và nhiều nước khác.

Hồ sơ ICIJ còn phát hiện một con số cực kỳ lớn là các quan chức chính phủ và các gia đình giàu có từ khắp nơi trên thế giới, như Canada, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Thái Lan… Trong khi đó, một nghiên cứu của James S. Henry, cựu kinh tế gia trưởng McKinsey & Company, cho biết, giới nhà giàu thế giới hiện có tổng cộng từ 21.000 đến 32.000 tỷ USD cất trong những tài khoản ở nước ngoài - tương đương quy mô nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại …

Cuộc chiến cam go

Truy thuế đang là ưu tiên của chính phủ các nước. Các tập đoàn lớn trên thế giới đang đối mặt với các vụ kiện pháp lý cùng những khoản phạt liên quan đến trốn thuế. Nhiều tập đoàn của Mỹ liên quan đến ngành truyền thông đang trong tầm ngắm của các nhà làm thuế của các nước châu Âu.

Anh đang tìm hiểu tại sao công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trực tuyến Google chỉ nộp thuế chưa tới 10 triệu USD trong năm 2011 dù doanh số đạt hơn 4 tỷ USD ở Anh. Còn hãng chế tạo máy tính Apple với tổng giá trị gần 625 tỷ USD đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm tỷ lệ nộp thuế của họ xuống chỉ còn 1,9% trong khi mức thuế áp dụng ở Anh là 24%. Anh ước tính Apple đã trốn hơn 880 triệu USD tiền thuế trong năm 2011.

Trong khi đó, theo Reuters, chuỗi thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks chỉ phải trả 13,7 triệu USD cho tiền thuế ở Anh hơn 13 năm qua trong khi doanh số bán hàng được ghi nhận trong khoảng thời gian trên là gần 5 tỷ USD.

Thụy Sỹ nổi danh là “thiên đường” để trốn thuế cá nhân. Một trong những đề tài được thảo luận nhiều nhất ở Thụy Sỹ là việc có hay không tiếp tục hỗ trợ cho nhà giàu của các nước né tránh thuế quốc gia bằng các tài khoản ngân hàng lập ở Thụy Sỹ.

Thượng viện Đức gần đây đã phủ quyết hiệp định thuế với Thụy Sỹ. Hiệp định này quy định các công dân Đức gửi tiền trong tài khoản bí mật tại các ngân hàng Thụy Sỹ sẽ phải đóng thuế cho cơ quan Đức nhưng Thượng viện Đức cho rằng những quy định trong hiệp định không chặt chẽ, quá nhiều kẽ hở cho việc trốn thuế. Họ muốn những quy định chặt chẽ hơn để dễ dàng truy thuế công dân mình.

Mỹ là quốc gia có nhiều tập đoàn trốn thuế ở các nước và cũng là quốc gia có nhiều người giàu trong nước trốn thuế. Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra 8 ngân hàng nước ngoài liên quan tới hành vi trốn thuế của công dân Mỹ, trong đó có ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS và ngân hàng Credit Suisse.