Châu Âu “tuyên chiến” với nạn trốn thuế

Theo Thời báo Ngân hàng

Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã ra một nghị quyết kêu gọi EU hành động mạnh mẽ để giảm một nửa mức thiệt hại như hiện nay vào năm 2020. Trong đó, yêu cầu các chính phủ phải “siết” chặt các lỗ hổng về thuế và quản lý chặt chẽ hơn những nơi được xem là “thiên đường trốn thuế”.

Châu Âu “tuyên chiến” với nạn trốn thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Lách luật” trốn thuế

Trong một tuyên bố trước công chúng, ông Herman Van Rompuy - Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, tình trạng trốn thuế đang làm cho Liên minh châu Âu (EU) tổn thất lên tới con số “khủng” 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) mỗi năm…

Con số này tương đương với toàn bộ sản lượng kinh tế hàng năm của Tây Ban Nha, vượt xa khoản cam kết 400 tỷ euro trong kế hoạch giải cứu các thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như: Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha hay Síp trong những năm tới.

Trước những thâm hụt nặng nề do vấn nạn trốn thuế gây ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng, trong thời điểm thắt chặt ngân sách và cắt giảm chi tiêu, việc đấu tranh chống gian lận và trốn thuế còn quan trọng hơn cả vấn đề công bằng thuế…

Thời gian gần đây, nhiều “ông lớn” như Tập đoàn Amazon, Google, Starbucks, Apple… liên tục bị cáo buộc “né” thuế ở châu Âu. Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã nghi ngờ một số tập đoàn đa quốc gia lợi dụng các kẽ hở để tránh phải nộp mức thuế cao.

Nghi ngờ này xuất phát từ thực tế rằng, mỗi năm các tập đoàn như Google hay Amazon có doanh thu lên đến hàng tỷ USD. Lợi nhuận “khủng”, song những tập đoàn này, lại chỉ đóng một khoản tiền thuế “tượng trưng” ở các quốc gia EU.

Mới đây, tờ New York Times dẫn báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết, Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới Apple đã lập hàng loạt công ty “ma” ở khắp các châu lục để trốn thuế. Apple bị cáo buộc trốn thuế hàng tỷ USD chủ yếu do lợi dụng lỗ hổng trong luật thuế của các quốc gia thành viên EU. Vụ việc của Apple khiến Tổng Giám đốc điều hành Tim Cook phải giải trình trước Thượng viện Mỹ.

Tương tự, chi nhánh tại Anh của chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks, luôn báo lỗ trong suốt 13 năm qua, mặc dù tuyên bố với các nhà đầu tư chi nhánh này rằng vẫn có lãi. Ngoài ra, với nghi vấn trốn thuế, lãnh đạo các Tập đoàn Google hay Amazon cũng phải giải trình trước Quốc hội Anh.

Không chỉ các tập đoàn đa quốc gia, mà nguy hiểm hơn, các ngân hàng tại châu Âu gần đây cũng bị tố cáo trốn thuế. Họ luôn tìm mọi cách “lách luật” để trốn thuế. Đơn cử như vụ việc tại Ngân hàng HSBC. Ngân hàng nổi tiếng này mới đây đã bị các nhà chức trách ở châu Âu mở cuộc điều tra, vì nghi ngờ tạo các tài khoản bí mật tại Thụy Sĩ để tiếp tay cho khách hàng che giấu tài sản, với mục đích trốn thuế. Hay Barclays, ngân hàng có trụ sở tại Luân Đôn, đầu năm 2012 đã bị buộc tội trốn thuế và phải nộp phạt tới 785 triệu USD cho Chính phủ Anh.

“Siết” lại kỷ cương

“Mánh khóe” mà các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng để trốn thuế, là chuyển doanh số bán hàng ở Anh hay các nước châu Âu có thuế suất cao, sang công ty con ở một trong các quốc gia có mức thuế thấp hơn. Nhờ đó, họ lách được một khoản thuế kếch xù.

Đề cập đến cuộc chiến chống gian lận thuế, Thủ tướng Ý Enrico Letta đã vạch rõ, đang có một sự đạo đức giả đến mức khó tin ở cấp độ châu lục. Vị thủ tướng này cũng cho rằng, việc truy quét nạn gian lận thuế không được một số nước hoan nghênh, vì họ sẽ bị mất những khoản tiền bí mật kiếm được một cách dễ dàng.

Mới đây, vào đầu tháng 5/2013 EU đã phải nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh về chống gian lận thuế ở Thủ đô Brussels của Bỉ. Ông Herman Van Rompuy đánh giá, hội nghị này đã đạt bước đột phá, thể hiện ý chí mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo châu Âu trên mặt trận chống gian lận thuế.

Tại hội nghị tất cả các nước thành viên EU đã nhất chí thực hiện quy tắc chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người gửi tiền nhằm chống lại các hành vi trốn thuế. Trong bối cảnh các chính phủ ở châu Âu thâm hụt ngân sách nặng nề do khủng hoảng tài chính và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống trốn thuế đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các chính trị gia ở khu vực.

Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã ra một nghị quyết kêu gọi EU hành động mạnh mẽ để giảm một nửa mức thiệt hại như hiện nay vào năm 2020. Trong đó, yêu cầu các chính phủ phải “siết” chặt các lỗ hổng về thuế và quản lý chặt chẽ hơn những nơi được xem là “thiên đường trốn thuế”.

Một bước tiến quan trọng nhằm loại bỏ các “thiên đường trốn thuế” đã được 6 nước thuộc EU là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan thống nhất. Đó là kế hoạch buộc ngân hàng tại các nước này phải minh bạch hóa hơn hoạt động của mình. Các biện pháp tăng cường tính minh bạch bao gồm yêu cầu ngân hàng của các nước phải cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ. Đồng thời, trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng và tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…

Tuy nhiên, việc “tấn công” vào nạn trốn thuế ở châu lục này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đó là những trở ngại từ phía các nước hiện còn phụ thuộc vào quy định về bí mật ngân hàng. Trong thực tế, theo nhiều người cuộc chiến chống gian lận thuế của châu Âu mới chỉ bắt đầu bằng những quyết tâm chính trị…