Chỉ số giá 9 tháng năm 2014

Theo gso.gov.vn

Chỉ số giá 9 tháng năm 2014

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 tăng 0,40% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong các tháng kể từ tháng 6/2014 (Tháng Sáu tăng 0,30%; tháng 7 tăng 0,23%; tháng Tám tăng 0,22%). CPI tháng Chín tăng chủ yếu do nhóm giáo dục tăng cao ở mức 6,38%, tác động làm chỉ số giá chung tăng 0,39%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng chủ yếu do trong tháng có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh học phí các loại theo lộ trình tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ số giá các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng thấp hơn: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%, trong đó dịch vụ y tế tăng 0,25%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%, trong đó lương thực tăng 0,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; bưu chính viễn thông không biến động nhiều. Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông có giá giảm so với tháng trước, tương ứng giảm 0,38% và giảm 1,85%.

CPI tháng 9/2014 tăng 2,25% so với tháng 12/2013 (Bình quân mỗi tháng tăng 0,25%) và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 4,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2013, mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Những yếu tố chủ yếu góp phần giữ ổn định CPI 9 tháng năm nay: (1) Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 được các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực và hiệu quả; (2) Vụ đông xuân và hè thu năm nay được mùa nên nguồn cung lương thực dồi dào; (3) Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tương đối ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những yếu tố ảnh hưởng làm tăng giá tiêu dùng: Điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang; tăng học phí các loại ở 43 tỉnh, thành phố; tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp từ ngày 01/01/2014 và tăng giá xăng dầu.

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng tháng 9/2014 giảm 1,66% so với tháng trước; giảm 6,51% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,61% so với tháng 12/2013. Giá vàng bình quân 9 tháng năm 2014 giảm 13,34% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2014 giảm 0,15% so với tháng trước; tăng 0,27% so với tháng 12/2013 và tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ bình quân 9 tháng năm 2014 tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2014 tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 5,14%; quý II tăng 3,92%; quý III tăng 5,10%), trong đó chỉ số giá bán sản phẩm hàng nông nghiệp tăng 3,61%; chỉ số giá bán sản phẩm hàng lâm nghiệp tăng 8,87% và hàng thủy sản tăng 7,86%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2013 (Quý I tăng 5,21%; quý II tăng 3,06%; quý III tăng 2,79%), trong đó chỉ số giá bán sản phẩm khai khoáng tăng 10,20%; chỉ số giá bán sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,06%; chỉ số giá bán điện và phân phối điện tăng 11,81%; chỉ số giá bán nước sạch, nước thải, xử lý nước thải, rác thải tăng 2,9%.

Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 9 tháng năm nay tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao nhất là khí  đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với mức tăng 8,33% (Quý I tăng 10,12%; quý II tăng 8,66%; quý III tăng 6,23%); thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,75% (Quý I tăng 4,92%; quý II tăng 5,70%; quý III tăng 6,64%); khai khoáng tăng 5,57% (Quý I tăng 6,87%; quý II tăng 4,72%; quý III tăng 5,13%); nước cung cấp và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,50% (Quý I tăng 6,73%; quý II tăng 6,11%; quý III tăng 3,69%); thực phẩm, đồ uống và thuốc lá tăng 4,00% (Quý I tăng 2,60%; quý II tăng 4,93%; quý III tăng 4,47%).

Chỉ số giá cước vận tải kho bãi 9 tháng năm 2014 tăng 3,28% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu do giá cước dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ tăng cao ở mức 5,58% (Quý I tăng 3,97%; quý II tăng 6,13%; quý III tăng 6,65%); chỉ số giá cước dịch vụ vận tải đường thủy và dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hoạt động hỗ trợ cho vận tải ngành đường khác tăng ở mức trên, dưới 2%; giá cước dịch vụ vận tải hàng không không biến động. Xét theo loại hình vận tải, giá cước vận tải hàng hóa tăng cao nhất với mức 4% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 1,87%; quý II tăng 4,56%; quý III tăng 5,61%); giá cước vận tải hành khách và giá dịch vụ kho bãi và hỗ trợ cho vận tải tăng thấp hơn, ở mức trên 2%.

Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2014 (Theo đô la Mỹ) tăng 1,20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số mặt hàng có chỉ số giá tăng cao: Rau quả tăng 12,27% so với cùng kỳ năm trước; hạt tiêu tăng 8,79%; thủy sản tăng 8,64%. Một số mặt hàng có chỉ số giá giảm mạnh: Cao su giảm 25,61%; sắt, thép giảm 7,61%; than giảm 5,21%; cà phê giảm 4,40%; hạt điều giảm 2,07%.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2014 (Theo đô la Mỹ) giảm 2,38% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó một số mặt hàng có chỉ số giá giảm mạnh: Phân bón giảm 16,24% so với cùng kỳ năm 2013; cao su giảm 12,20%; dây điện và dây cáp điện giảm 7,35%; sản phẩm bằng sắt, thép giảm 5,69%; sợi dệt giảm 3,9%; thức ăn gia súc giảm 2,61%. một số mặt hàng có chỉ số giá tăng cao: Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 8,9%; nguyên phụ liệu dược phẩm tăng 8,64%; rau quả tăng 8,15%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 3,31%.