Chiến lược content marketing: Bí quyết từ học hỏi đến vượt mặt đối thủ cạnh tranh

Theo doanhnhansaigon.vn

Trong quá trình xây dựng chiến lược content marketing, dù đối thủ cạnh tranh đang thành công hay thất bại, bạn vẫn cần biết lý do tại sao và học hỏi từ đó để vượt qua họ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những vận động viên giỏi nhất luôn dành nhiều giờ liền để nghiên cứu về các trận đấu trước đó của đối thủ, bởi họ hiểu được tầm quan trọng của việc học hỏi từ đối thủ.

Theo doanh nhân Syed Balkhi - nhà đồng sáng lập các nền tảng trực tuyến WPBeginner, OptinMonster và WPForms, những doanh nhân thông minh cũng áp dụng sách lược này.

“Khi bạn khởi sự một doanh nghiệp và cố gắng thu hút khách hàng tiềm năng, hãy học hỏi từ các đối thủ. Họ sẽ trở thành những “thầy giáo” tuyệt vời nhất. Để công ty vượt trội hơn đối thủ, bạn cũng phải học những chiến lược mà họ sử dụng. Nhờ đó, bạn sẽ làm tốt hơn họ và giành được khách hàng”, ông cho biết trong một bài viết trên Entrepreneur.

Trong lĩnh vực content marketing nói riêng và kinh doanh trực tuyến nói chung, các doanh nhân có thể bắt đầu quá trình này bằng cách thực hiện một số phân tích về đối thủ của mình. Dưới đây là 6 cách hiệu quả để phân tích đối thủ cạnh tranh, theo Syed Balkhi:

1. Học từ các website và các kênh truyền thông xã hội của đối thủ

Hãy bắt đầu phân tích đối thủ bằng cách tiếp cận sâu hơn để hiểu về những thứ họ đang thực hiện tốt và những điều còn cần cải thiện. Đừng ngần ngại áp dụng những ý tưởng của họ và phát triển chúng cho phù hợp với công ty bạn.

Hãy đảm bảo rằng danh sách các đối thủ cạnh tranh của bạn phải cân bằng ở cả 2 nhóm: một nhóm là những đối thủ vượt trội hơn bạn, và nhóm còn lại là những người đang tụt lại phía sau bạn. Trên thực tế, bạn có thể học hỏi rất nhiều từ cả hai, về những điều cần làm và những điều nên tránh.

Vì vậy, hãy ghé thăm trang blog hoặc website của các công ty đối thủ. Hãy khám phá để hiểu những chiến lược của họ, rồi sau đó bắt đầu tổng hợp dữ liệu lại để trả lời các câu hỏi: Họ thường thực hiện những kiểu bài đăng nào? Họ đăng bài với mật độ như thế nào? Những bài đăng nào tạo ra nhiều phản hồi và được chia sẻ nhiều nhất?

2. Tìm những bài đăng thu hút nhiều độc giả nhất

Nếu bạn đang lên kế hoạch tạo ra một chiến lược content marketing vượt trội hơn đối thủ, chiến lược tốt nhất là phân tích các bài đăng của họ, và khám phá xem những bài nào thu hút nhất. Sau đó, bạn có thể tạo ra nội dung tương tự cho trang của công ty mình, và có được nhiều lượt tiếp cận hơn.

Mục đích của việc phân tích đối thủ cạnh tranh là để hiểu cách họ hoạt động và những chiến lược họ sử dụng. Đừng phạm sai lầm là đi theo dấu chân của họ và tạo ra những nội dung hoặc chiến lược marketing y hệt họ.

Hãy rút ra những bài học và áp dụng chúng vào chiến lược marketing của riêng bạn để phục vụ tốt hơn cho độc giả mục tiêu.

Nên tập trung vào việc tạo ra những nội dung chất lượng để thu hút độc giả, để rồi sau đó, các đối thủ sẽ phải bắt đầu phân tích và học hỏi từ bạn.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách sử dụng công cụ Buzzsumo, cho phép bạn phân tích một website hoặc một trang blog để tìm ra những bài đăng nào và những kiểu chủ đề nào có thể mang đến lượt chia sẻ nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Để bắt đầu phân tích, bạn chỉ cần đơn giản là nhập URL của website đối thủ vào ô tìm kiếm. Sử dụng các kết quả phân tích của Buzzsumo, bạn có thể tạo ra một chiến lược nội dung hiệu quả hơn và độc đáo hơn.

Hãy lặp lại quá trình phân tích này đối với tất cả đối thủ cạnh tranh, nhờ đó bạn sẽ có được một danh sách những chủ đề hấp dẫn nhất để thực hiện nhằm thu hút thêm nhiều độc giả.

3. Học cách tạo ra nhiều lượt truy cập

Bước tiếp theo là học cách mà các đối thủ thực hiện để tạo ra nhiều lượt truy cập cho website. Họ sử dụng những kênh nào để thu hút khách truy cập? Những nền tảng mạng xã hội nào tạo ra nhiều lượt truy cập nhất cho blog của họ?

Trong trường hợp này, SimilarWeb là một công cụ tuyệt vời để khám phá. Dùng SimilarWeb, bạn có thể biết được rõ hơn về nguồn truy cập phổ biến nhất của một website.

Trên trang kết quả tìm kiếm, bạn sẽ thấy một phần hiển thị các nguồn truy cập của website đối thủ, và có thể sử dụng dữ liệu này để tạo ra nội dung tốt hơn, nhắm đến những kênh truyền thông xã hội nhất định cũng như nhiều kênh truy cập khác.

4. Phân tích sở thích độc giả và sự cạnh tranh giữa các đối thủ

Tất cả chúng ta đều có đối thủ, nghĩa là những đối thủ của chúng ta cũng có những đối thủ của họ. Và trên thực tế, bạn có thể học được rất nhiều thứ từ việc phân tích sự cạnh tranh giữa những đối thủ với nhau.

Để làm được điều này, bạn chỉ cần tìm kiếm một website trên SimilarWeb, sau đó kéo xuống phía dưới trong phần kết quả tìm kiếm. Bạn sẽ thấy một phần hiển thị danh sách các đối thủ cạnh tranh của website đó. Bấm vào đường dẫn để xem các phân tích cụ thể và xem cách mà website đang làm để cạnh tranh với những đối thủ khác.

SimilarWeb còn giúp bạn hiểu được độc giả mục tiêu của mình thích kiểu chủ đề và website nào. Nhấp vào tab “Audience” để thấy được các mục, website và chủ đề có thể thu hút được độc giả của đối thủ. Dựa vào các chủ đề này, bạn có thể tạo ra các bài đăng nhằm thu hút độc giả đang là người đọc của đối thủ.

5. Tìm hiểu các từ khóa hiệu quả

Trong quá trình nghiên cứu đối thủ, bạn sẽ thấy rằng lưu lượng truy cập tự nhiên là nguồn truy cập lớn nhất của hầu hết mọi website. Lượng truy cập này có được là nhờ những nội dung tốt được tạo ra bằng cách nhắm đến những từ khóa cụ thể. Bạn có thể phân tích các đối thủ để tìm ra những từ khóa hiệu quả nhất mà họ sử dụng.

Bạn có thể dùng một số công cụ như SpyFu để tìm hiểu về những từ khóa hàng đầu được sử dụng bởi các đối thủ cạnh tranh, sau đó có thể áp dụng chúng và vượt qua đối thủ bằng cách tạo ra những nội dung với thông tin hay hơn, sâu hơn.

Một cách khác thậm chí có thể hiệu quả hơn, đó là tìm ra các từ khóa liên quan với những từ khóa đó nhưng có tính cạnh tranh thấp hơn và áp dụng chúng vào các bài đăng của bạn.

Bạn có thể làm điều này bằng cách sử dụng công cụ KWFinder. Chỉ cần nhập một từ khóa và công cụ này sẽ cung cấp cho bạn một danh sách những từ khóa liên quan, có kèm theo điểm số cụ thể về “độ mạnh” của chúng.