Chính phủ dự kiến tăng thuế ở mức thấp một số tài nguyên

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Tại Phiên họp thứ 20 (ngày 21/8/2013) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các thành viên UBTVQH đã trao đổi, thảo luận và đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cơ bản thống nhất với các mức thuế suất thuế tài nguyên dự kiến điều chỉnh theo Tờ trình số 289/TTr-CP. Riêng thuế suất của một số loại tài nguyên là khoáng sản kim loại thì còn có ý kiến khác nhau nên Tờ trình tại phiên họp 22 của UBTVQH, thuế suất một số loại tài nguyên được đề nghị điều chỉnh thấp hơn trước đó.

 Chính phủ dự kiến tăng thuế ở mức thấp một số tài nguyên
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: internet

Dự kiến tăng thuế đối với vàng lên 17%

Trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH, để đảm bảo mục tiêu ban hành Nghị quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, cũng như đảm bảo môi trường đầu tư, Chính phủ cho rằng, cần tiếp thu việc điều chỉnh thuế suất đối với một số loại tài nguyên, cụ thể:

Đối với vàng, khung thuế suất ở mức 9-25%, thuế suất hiện hành là 15%. Tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với vàng từ 15% lên 22%.

Tuy nhiên, tại Phiên họp thứ 20 của UBTVQH, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh mức thuế suất đối với vàng từ 15% lên 22% là quá cao, do đó Chính phủ trình UBTVQH tiếp thu việc điều chỉnh mức thuế suất đối với vàng từ 15% lên 17%.

Theo tính toán, với mức thuế suất hiện hành là 15%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác là 113.008.830 đồng/kg; Với mức thuế suất dự kiến tăng lên (17%), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm còn 101.861.371 đồng/kg, tổng số thuế tài nguyên phải nộp chiếm 14,8% giá bán.

Đối với đồng: Khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành là 10%. Tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với đồng từ 10% lên 15%. 

Giá quặng đồng trên thị trường thế giới, từ năm 2012 đến nay, vẫn có xu hướng giảm, trong tháng 7/2013 đã giảm 15% so với thời điểm đầu năm 2013. Quặng đồng hiện đã được đầu tư để chế biến sâu nhưng các dự án phần lớn mới đi vào hoạt động. Do đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, tránh gia tăng chi phí cũng như tạo thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, Chính phủ trình UBTVQH tiếp thu việc điều chỉnh mức thuế suất đối với đồng từ 10% lên 13%.

Theo tính toán, với mức thuế suất hiện hành là 10%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác là 2.484.229 đồng/tấn; Với mức thuế suất dự kiến tăng lên (13%), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm còn 1.502.889 đồng/tấn, tổng số thuế tài nguyên phải nộp chiếm 13% giá bán.

Mặt hàng niken, khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành là 10%. Tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với niken từ 10% lên 12%.

Trong giai đoạn vừa qua, thuế suất thuế tài nguyên đối với niken đã được điều chỉnh nhiều lần (từ 5% năm 2008, lên 7% vào năm 2009 và nâng lên mức 10% vào năm 2010). Khoáng sản niken mới bắt đầu khai thác tại mỏ Bản Phúc, Sơn La.

Đây là dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hạ tầng kém phát triển, vì vậy để tránh ảnh hưởng đến việc tiếp tục đầu tư khai thác của doanh nghiệp nói riêng và môi trường đầu tư nói chung, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng chưa nên điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với niken. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng có công văn kiến nghị UBTVQH đề nghị không điều chỉnh thuế suất đối với niken.

Do đó, Chính phủ trình UBTVQH tiếp thu việc giữ mức thuế suất đối với niken như hiện hành (10%).

Đối với sắt: Khung thuế suất 7-20%, thuế suất hiện hành là 10%. Tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế suất đối với sắt từ 10% lên 13%.

Để tương ứng với phương án tiếp thu đối với đồng như nêu trên (phương án tiếp thu đối với đồng từ 10% lên 13% là giảm xuống thấp hơn so với phương án đã trình UBTVQH từ 10% lên 15% tại Tờ trình số 289/TTr-CP), Chính phủ xin trình UBTVQH tiếp thu việc điều chỉnh mức thuế suất đối với sắt từ 10% lên 12%.

Giữ nguyên mức tăng cao đối với một số tài nguyên cần bảo vệ

Đối với các loại tài nguyên khác, để bảo vệ nguồn tài nguyên hiện có, phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong tương lai, góp phần hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, Chính phủ xin trình UBTVQH giữ như nội dung Tờ trình số 289/TTr-CP, cụ thể:

+ Titan: tăng từ 11% lên 16%;

+ Vonfram, Antimoan: tăng từ 10% lên 18%;

+ Đất làm gạch: tăng từ 7% lên 10%;

+ Đá, sỏi: tăng từ 6% lên 7% (cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất xi măng);

+ Apatit: tăng từ 3% lên 5%;

+ Than: tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9%;

+ Nước thiên nhiên: tách nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thành 2 nhóm là dùng cho sản xuất nước sạch và cho mục đích khác. Trong đó, thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất nước sạch giữ như hiện hành (1% nếu sử dụng nước mặt và 3% nếu sử dụng nước dưới đất). Đối với nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác thì thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt và 5% nếu sử dụng nước dưới đất. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tăng từ 2% lên 4%.

Theo tính toán, với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh như nêu trên thì số thu thuế tài nguyên tăng lên khoảng 2.138 tỷ đồng (với giả thiết số thu thuế của các loại tài nguyên khác không thay đổi), giảm 141 tỷ đồng so với phương án đã trình UBTVQH tại Tờ trình số 289/TTr-CP (theo phương án đã trình UBTVQH thì dự kiến số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 2.279 tỷ đồng).

Tại phiên họp của UBTVQH, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc nâng thuế suất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay vì có thể tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Có ý kiến nhất trí điều chỉnh thuế suất song đề nghị xem xét, có thể cân nhắc ở mức 17-18%. Có ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ song cũng có ý kiến đề nghị nâng từ 15% lên 25%.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị chỉ điều chỉnh thuế suất đối với vàng từ 15% lên 17%.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình với quan điểm này vì cho rằng, mức 17% là quá thấp so với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Tài chính- Ngân sách thể hiện tại Báo cáo thẩm tra số 1387/BC-UBTCNS13 ngày 19/8/2013.