Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa

Theo Hải Đăng/nhadautu.vn

Thời hạn chót để quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua ngân sách đang ngày càng tới gần (8/12), nhưng sự bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khiến nguy cơ đóng cửa chính phủ ngày càng hiển hiện.

Nhiệm kỳ chưa tròn một năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến những màn sa thải liên tục những nhân sự cấp cao. Nguồn: Reuters
Nhiệm kỳ chưa tròn một năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến những màn sa thải liên tục những nhân sự cấp cao. Nguồn: Reuters

Người phát ngôn Nhà Trắng nói hi vọng chính phủ Mỹ không phải đóng cửa vào tuần tới nhưng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng nếu Quốc hội không thể thông qua ngân sách. 

"Chúng tôi không hi vọng chính phủ sẽ đóng cửa và không mong điều đó xảy ra. Chúng tôi tin hai bên vẫn có thể làm việc được với nhau", ông Raj Shah - người phát ngôn Nhà Trắng nói với phóng viên ngày 29/11 (giờ Mỹ). Đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump dù đang kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện nhưng vẫn cần đến lá phiếu của phe Dân chủ nếu muốn thông qua ngân sách.

Ngày 28/11, lãnh đạo phe Dân chủ tại Quốc hội đã bỏ họp với Tổng thống Trump, làm dấy lên lo ngại chính phủ Mỹ đóng cửa là điều sẽ không thể tránh khỏi. Lý do được đưa ra cho việc bỏ họp là ông Trump đã "tấn công" phe Dân chủ bằng một dòng trạng thái trên Twitter, chỉ trích họ yếu kém, tạo điều kiện cho nhập cư bất hợp pháp.

Các nghị sĩ Dân chủ khẳng định muốn họ bỏ phiếu thông qua ngân sách, ông Trump phải rút lại quyết định bỏ chương trình hỗ trợ trẻ em nhập cư bất hợp pháp (DACA) đã đưa ra hồi tháng 9. Chương trình này được đưa ra dưới thời tổng thống Barack Obama, một thành viên đảng Dân chủ. Nhưng đó mới chỉ là một phần trong nhiều yêu cầu của họ. Cái chính là trong dự luật ngân sách do phe Cộng hòa đệ trình, có những điều khoản đòi tăng thuế thu từ người dân.

Một cuộc khảo sát của Reuters công bố ngày 30/11 cho thấy gần một nửa người Mỹ phản đối dự luật ngân sách của đảng Cộng hòa, với 49%, áp đảo tỉ lệ ủng hộ (29%). Khi được hỏi "Ai sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ dự luật ngân sách", hơn một nửa trả lời "các tập đoàn giàu có và hùng mạnh của nước Mỹ", 14% chọn "tất cả người Mỹ", 6% chọn "tầng lớp trung lưu" và chỉ có 2% chọn "những người Mỹ thu nhập thấp".

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.257 người trưởng thành cũng cho thấy tình hình nội bộ của từng đảng. Trong khi 59% đảng viên Cộng hòa ủng hộ dự luật ngân sách, 26% trả lời không biết và chỉ có khoảng 15% phản đối. Ngược lại, không bất ngờ khi có tới 82% đảng viên Dân chủ khi được hỏi đã thể hiện sự phản đối, 11% không biết và 8% ủng hộ.

Ngày 16/11, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật ngân sách. Vấn đề quan trọng tiếp theo nằm ở Thượng viện. Quá thời hạn 8/12 mà không một khoản ngân sách nào được thông qua, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa. Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ đóng cửa là vào năm 2013, dưới thời ông Obama. Lịch sử hiện đại nước Mỹ ghi nhận tất cả 6 lần phải đóng cửa vì bất đồng giữa hai đảng dẫn tới việc không thể thông qua ngân sách.

Tương lai của Ngoại trưởng Tillerson?

Trong bối cảnh đó, lại xuất hiện tin đồn về việc ngoại trưởng Rex Tillerson có thể bị sa thải. “Khi tổng thống mất niềm tin ở ai đó, họ sẽ không còn hiện diện nữa”. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders trả lời về câu hỏi xung quanh tương lai của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Báo chí Mỹ đã phân tích mọi khả năng, nguyên nhân dẫn tới tin đồn xung quanh tương lai ông Tillerson và cảm thấy nó hợp lý.

Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Tillerson thường xuyên xuất hiện những tuyên bố về đường lối chủ trương khác xa với những gì ông Trump hay nói trên trang Twitter cá nhân. Báo Washington Post dẫn ra hàng loạt ví dụ. Đơn cử hồi tháng 6, ông Tillerson kêu gọi các quốc gia khối Ả Rập nới lỏng vòng kim cô quanh Qatar, thì ông Trump tại Vườn Hồng - vài tiếng sau - chỉ trích Qatar bằng cáo buộc Doha tài trợ khủng bố.

Khi ông Trump nói rằng việc đối thoại với Triều Tiên là "phí thì giờ", thì tại thời điểm ấy ông Tillerson đang nỗ lực phối hợp với các bên để giải quyết vấn đề bằng ngoại giao. Khi ông Tillerson nói rằng Mỹ nên tôn trọng thỏa thuận biến đổi khí hậu ký ở Paris, ông Trump rút. Khi ông Tillerson muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump không công nhận nỗ lực của Tehran...

Chiếu theo lời người phát ngôn Nhà Trắng Sanders, ông Tillerson "dính" ít nhất 3 lỗi để không thể là người phù hợp đi cùng ông Trump lúc này. Thứ nhất là tuyên bố trên mặt báo ngược lại với Tổng thống. Thứ hai là việc xuất hiện và nói quá nhiều trên các phương tiện truyền thông và thứ ba là việc ông Tillerson chưa từng nói hoặc có biểu hiện "thề trung thành" với ông Trump.

Những tiêu chí trên được thể hiện qua các lần sa thải thuộc cấp của ông Trump trước đây, điển hình là cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey, người vừa "không trung thành", vừa xuất hiện quá nhiều trước báo giới trong khi lại là lãnh đạo cơ quan đặt yếu tố bí mật lên cao nhất.

Xét theo các tiêu chí trên thì thông tin về việc bổ nhiệm nhân sự thay thế Mike Pompeo, giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA), được xem khá hợp lý. Theo Hãng tin AP, ông Pompeo ngược lại có mối quan hệ rất khăng khít với ông Trump và giữ vai trò rộng lớn hơn rất nhiều sếp CIA khác trong quá khứ. Là một cựu doanh nhân và nghị sĩ Cộng hòa ở Kansas, ông Pompeo được cho "thường xuyên ở lại lâu hơn trong các cuộc họp khác của ông Trump" và điều đặc biệt, ông Pompeo là người chia sẻ lập trường cứng rắn cùng tổng thống trong vấn đề Iran.

Nhiệm kỳ chưa tròn một năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến những màn sa thải liên tục những nhân sự cấp cao. Ông Trump tính đến nay đã thay cố vấn và phó cố vấn an ninh quốc gia, chánh văn phòng, thư ký báo chí, giám đốc truyền thông và trưởng bộ phận phụ trách chiến lược, giám đốc FBI và quyền trưởng bộ tư pháp. Mới nhất hồi tuần trước, ông Trump đã cho bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân đạo Tom Price thôi việc.