Chính quyền Joe Biden đang siết chặt hơn nữa chính sách với Trung Quốc?
Bộ Tài chính Mỹ sẽ lên một danh sách các doanh nghiệp có thể chịu phạt về tài chính bởi có liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ giám sát của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch sửa đổi lệnh cấm đầu tư vào những công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc trong tuần tới sau khi chính sách của thời Tổng thống Trump bị tòa án chỉ trích, đồng thời phía nhà đầu tư băn khoăn về tác động của biện pháp cấm đầu tư đó lên các công ty thành viên.
Theo quy định sửa đổi của ông Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ sẽ lên một danh sách các doanh nghiệp có thể chịu phạt về tài chính bởi có liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ giám sát của Trung Quốc. Cho đến nay, danh sách các công ty được nhắm đến có liên quan trực tiếp đến báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Quy định sửa đổi của chính quyền ông Biden dự kiến sẽ được ký thông qua trong tuần này. Quy định sẽ thay đổi tiêu chí để xếp doanh nghiệp vào danh sách đen. Theo quy định trước đây của chính quyền Donald Trump, chính quyền sẽ nhắm đến trừng phạt những doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Thượng nghị sỹ bang Arkansas, ông Tom Cotton, khẳng định: “Chính phủ Mỹ thực sự cần phải tiếp tục mở rộng chính sách với các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc, nhóm các công ty này không nên được phép tiếp cận với thị trường vốn và công nghệ Mỹ”.
Trong lá thư gửi lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tuần này, nhóm chính trị gia hai đảng trong đó có bao gồm thượng nghị sỹ bang Florida – ông Marco Rubio; thượng nghị sỹ bang Arizona – ông Mark Kelly và Hạ nghị sỹ Liz Cheney bang Wyoming đã yêu cầu phải công bố danh sách mới của những doanh nghiệp bị coi là có liên quan đến Trung Quốc. Danh sách này dự kiến được công bố ngày 15/4/2021.
Nhiều doanh nghiệp đang trông chờ vào sự làm rõ từ phía ông Biden bởi quy định của Tổng thống Trump khiến nhiều người không hiểu được rằng quy định cấm đầu tư sẽ áp dụng với hàng loạt các doanh nghiệp hay chỉ chi nhánh, công ty thành viên của doanh nghiệp đó.
Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ cũng làm rõ rằng quy định cấm mới nhất sẽ áp dụng với chi nhánh của công ty niêm yết đó chỉ nếu như chi nhánh đó cũng được Bộ Tài chính Mỹ nhắc đến.
Cựu chủ tịch Ủy ban rà soát kinh tế và an ninh thuộc Quốc hội Mỹ, ông Roger Robinson, nhận xét việc cho phép Bộ Tài chính Mỹ có quyền hạn quyết định doanh nghiệp nào có liên quan sẽ giúp phố Wall giữ được vị thế tương đối.
Liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, vào đầu tháng 5/2021 cho biết rằng dự kiến trong ngắn hạn bà sẽ có những đối thoại với quan chức Trung Quốc để có thể đánh giá được tiến độ thực hiện các cam kết trong thỏa thuận thương mại lần 1 giữa hai nước, kết quả này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của những biện pháp trừng phạt thuế quan mà Washington áp với Bắc Kinh.
Trong tuyên bố mới đây trước báo giới, bà Tai nói rằng bà tôn trọng việc tiếp tục thực hiện chính sách thương mại Mỹ - Trung Quốc, trong đó có thỏa thuận thương mại kéo dài 2 năm được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng vào năm ngoái.
“Đó là thỏa thuận mà chúng ta có, đó là thỏa thuận mà chúng ta sẽ làm việc và chúng ta sẽ cùng xây dựng”, bà Tai nói.
“Tôi rất trông đợi được gặp gỡ những người đồng cấp Trung Quốc, đánh giá những gì họ đã làm được và nhìn nhận từ những gì họ nói và cùng nhau tìm hướng đi sắp tới”, bà nói thêm.
Cũng theo bà Tai cho biết, cho đến nay, bà chưa có bất kỳ tiếp xúc nào với phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người từng chịu trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thương mại lần đầu cho Bắc Kinh, tuy nhiên dự kiến bà sẽ làm vậy trong ngắn hạn.
Khi được hỏi về việc liệu phía Mỹ có sẵn sàng gỡ bỏ các biện pháp tăng thuế mạnh tay với khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từng được áp dụng dưới thời chính quyền Donald Trump, bà Tai nói rằng mọi chuyện sẽ còn tùy thuộc vào kết quả đối thoại với quan chức Trung Quốc và tính hiệu quả của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.