Chính sách thuế liên quan đến kỹ thuật số trên thế giới
Đánh thuế trong nền kinh tế kỹ thuật số có thể là một biện pháp quan trọng để các chính phủ tạo ra không gian tài chính mới và tăng nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên, việc đánh thuế vào nền kinh tế kỹ thuật số là một thách thức đặc biệt ở các nước có năng lực quản lý thuế thấp. Công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng thay đổi quản lý thuế và sự tương tác của nó với người nộp thuế.
Thuế dịch vụ kỹ thuật số là một loại thuế bắt buộc phải nộp cho chính phủ nước sở tại khi tiến hành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ hay kỹ thuật số. Thuế này bao gồm hai thành phần là thuế thu phí và phí dịch vụ đối với băng thông internet hoặc hệ thống kỹ thuật số quốc gia.
Ngân hàng Thế giới công nhận, nền kinh tế kỹ thuật số, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Tất cả các công ty đều phải nộp thuế cho chính phủ của các quốc gia nơi hoạt động kinh tế diễn ra và giá trị được tạo ra, phù hợp với luật pháp, chính sách quốc gia và quốc tế.
Về lý thuyết, việc tăng nguồn thuế sẽ có lợi cho các khu vực thị trường, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp và trung bình. Thực tế, chỉ các quốc gia có thu nhập cao với năng lực quản lý thuế cao mới có thể thực hiện các quy định mới và tăng nguồn thu thuế của họ.
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với thâm hụt tài khóa và không thể tăng nợ tài khóa do kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt. Họ đang hướng tới việc cân bằng tài khoản của mình bằng cách chia sẻ lợi nhuận của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ số.
Thu thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ đem về nguồn lợi lớn cho các quốc gia, tránh thiệt hại kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số với sự thống trị của các tập đoàn công nghệ khổng lồ (Cristian và Raúl, 2021).
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, Pháp đánh thuế kỹ thuật số với tỷ lệ 3% doanh thu tại Pháp, thu về khoảng 500 triệu EUR năm 2019 và khoảng 650 triệu EUR cho năm 2020. Uớc tính, thuế dịch vụ kỹ thuật số giúp EU thu về khoảng 5 tỷ EUR mỗi năm. Dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Hạ viện và Thượng viện Pháp thông qua với tên gọi là GAFA (viết tắt chữ đầu tiên của 4 công ty công nghệ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon).
Theo đó, các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số cho khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hằng năm của họ tại Pháp. Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hằng năm ít nhất 750 triệu EUR (tương đương 845 triệu USD) trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu EUR (tương đương 28 triệu USD) tại Pháp. Tiêu chí này khiến gần 30 công ty công nghệ toàn cầu bị ảnh hưởng, chủ yếu là các công ty Mỹ như: Google, Apple, Facebook, Amazon và một số công ty Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha (Ba và El, 2019).
Sau Pháp, Anh cũng công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu vượt quá 556 triệu EUR và có mức thu tối thiểu 25 triệu EUR từ các hoạt động thương mại tại Anh. Dự kiến mức thuế sẽ là 2% tổng doanh thu hằng năm, bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, mức thuế 2% này không được áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ hoặc đang thua lỗ tại Anh. Anh sẵn sàng hủy bỏ mức thuế này sau khi cộng đồng quốc tế đạt được một giải pháp toàn cầu trong việc đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số (Cristian và Raúl, 2021).
Từ cuối năm 2018, các nước thành viên EU đã đề xuất đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu về hai dự luật, dự luật về cách đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số và dự luật về cải cách cơ sở thuế của các dịch vụ kỹ thuật số.
Hàn Quốc, Ấn Độ và bảy nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cân nhắc áp dụng cách đánh thuế mới nhằm vào các công ty công nghệ như: Google, Apple, Facebook, Amazon... Chính phủ New Zealand cũng tuyên bố xem xét áp thuế lên doanh thu của các tập đoàn số đa quốc gia…
Trung Quốc chưa áp thuế công nghệ số, trong khi đó, Nhật Bản dựa theo địa chỉ người cung cấp và địa chỉ thanh toán sẽ đánh thuế tiêu thụ theo mức thuế tiêu thụ hiện hành. Mỹ mới có 20 bang áp thuế công nghệ số theo thuế bán hàng; Singapore bắt các công ty bán hàng online phải đăng ký hệ thống nhà phân phối nước ngoài (Overseas Vendor Registration -OVR) và thu thuế theo thuế tiêu thụ GST.
Ở Đông Nam Á, Malaysia bổ sung thuế kỹ thuật số vào dự thảo ngân sách của quốc gia này. Theo đó, đối với dịch vụ trực tuyến được nhập khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ phải đăng ký và nộp thuế dịch vụ liên quan cho hải quan Malaysia kể từ ngày 01/01/2020. Bên cạnh đó, Indonesia là quốc gia mới nhất ở Đông Nam Á thử đánh thuế lĩnh vực kỹ thuật số sau Thái Lan, Philippines, Singapore.