Chính sách tiền tệ: 8 tháng và những điểm sáng

Theo thongtinthuongmai.vn

(Tài chính) Lãi suất, tỷ giá và thị trường vàng, ngoại tệ ổn định… là những điểm sáng thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 8 tháng đầu năm 2013.

Chính sách tiền tệ: 8 tháng và những điểm sáng
Chính sách tiền tệ của NHNN 8 tháng đầu năm 2013 có nhiều điểm sáng. Nguồn: Internet

Những điểm “được” trông thấy

Chính sách tiền tệ (CSTT) được điều hành theo các mục tiêu: ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, nổi bật là các chính sách điều hành lãi suất linh hoạt, suốt từ năm 2011 đến nay đã mang lại kết quả tích cực.

Riêng 8 tháng đầu năm 2013, một số điểm “được” về điều hành CSTT có thể thấy rõ như: Các công cụ CSTT đã được điều hành linh hoạt và đồng bộ. Chính sách lãi suất được điều hành chủ động, có tác dụng dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến KTVM, nhờ đó thanh khoản của hệ thống về cơ bản được đảm bảo nên trên thị trường không còn căn bệnh “trầm kha” về căng thẳng thanh khoản dẫn đến cạnh tranh lãi suất để lôi kéo khách hàng như những năm trước đây; đồng thời giúp lãi suất diễn biến tích cực, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích giữa người vay, người gửi tiền và ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng (TTTD) tuy thấp hơn những năm trước đây nhưng chất lượng và hiệu quả tín dụng cũng dần tăng lên.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng cũng ghi nhận nhiều sự cải thiện. Đối với thị trường ngoại tệ, các giải pháp được thực hiện đồng bộ và quyết liệt thời gian qua đã giúp giữ ổn định thị trường, phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường, giúp tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Những biến động bất thường trong một số thời điểm đã được NHNN can thiệp kịp thời nên thị trường ngoại tệ và tỷ giá đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Với thị trường vàng cũng đã cho thấy những thành công bước đầu. Trong đó việc chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng của các TCTD về cơ bản đã kết thúc và mang lại một số lợi ích quan trọng như giúp loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD, chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống TCTD; chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua – bán vàng. Việc thị trường vàng dần đi vào ổn định hơn cũng giúp loại trừ các tác động tiêu cực của thị trường này tới tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Liên quan đến XLNX, đến cuối tháng 7/2013, theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 138,98 nghìn tỷ đồng chiếm 4,58% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 26/7/2013. Phấn đấu trong năm 2013, VAMC sẽ xử lý được từ 40 đến 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Song song với đó, NHNN đã thực hiện Đề án về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (XLNX) đúng lộ trình. Trong đó, với các NHTM yếu kém, trong 8 tháng đầu năm 2013, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến và phê duyệt thêm phương án cơ cấu của 3/4 NHTM yếu kém còn lại (trong tổng số 9 NHTM yếu kém phải tái cơ cấu). Trong đó, 1 ngân hàng được hợp nhất với TCTD khác và 2 ngân hàng tự cơ cấu lại. Đối với 1 ngân hàng yếu kém chưa được cơ cấu lại, NHNN đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng để ngân hàng đó tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của nước ngoài.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 NHTMCP yếu kém đã được xác định từ đầu năm 2012, NHNN đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém và yêu cầu các TCTD này xây dựng phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các TCTD yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án.

Tăng trưởng tín dụng đang đi theo hướng tích cực

Mặc dù từ năm 2011 đến nay, tín dụng đã tăng trưởng chậm hơn so với giai đoạn trước đây nhưng hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao và tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức hợp lý tăng trưởng GDP năm 2011 là 6,24%; năm 2012 là 5,03% và 6 tháng đầu năm 2013 tăng 4,9% trong khi TTTD tương ứng các mốc thời gian trên là: 14,4%; 8,85% và 8 tháng 2013 tăng 6,45%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 35,9%/năm giai đoạn 2007-2010).

Điều này cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy tăng trưởng tháng 8 đã khá hơn mức tháng 7/2013 nhưng tốc độ TTTD cũng chưa được như kỳ vọng của nền kinh tế, khối các doanh nghiệp và chính bản thân một số NHTM. Theo TS. Cấn Văn Lực, có nhiều nguyên nhân của sự ”chậm chạp” trên, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vì cầu về tín dụng còn thấp trong khi hàng tồn kho dù đã có cải thiện song vẫn còn cao.

“Hiện lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều, ví dụ lãi suất trung, dài hạn một số ngân hàng hiện chào chỉ còn 10 -12%/năm nhưng nói chung nhu cầu khả năng có thể hấp thụ vẫn rất thấp. Trong khi do khoản nợ xấu chưa xử lý được nhiều khiến cho các ngân hàng cũng thận trọng hơn và DN cũng khó đáp ứng được tiêu chuẩn tín dụng. Ngoài ra, nền kinh tế tuy có ấm lên nhưng chưa phải mạnh mẽ” – TS. Lực nhìn nhận.

Tuy nhiên, vị chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng này cũng kỳ vọng: “TTTD cả năm 12% vẫn khả thi do 4 yếu tố chính: Lãi suất đã giảm tương đối mạnh và ổn định; kinh tế có dấu hiệu ấm hơn năm ngoái; các gói hỗ trợ (như gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở) sẽ đi vào cuộc sống nhiều hơn và vấn đề nợ xấu thời gian tới khả năng cũng được xử lý quyết liệt hơn”.

Trong những tháng còn lại của năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT, lãi suất và tỷ giá; các giải pháp quản lý thị trường vàng; Tiếp tục triển khai lộ trình tái cơ cấu các TCTD, tích cực XLNX… Bên cạnh đó, vấn đề TTTD làm sao đảm bảo cả chất và lượng vẫn được quan tâm. Theo đó, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động tín dụng của TCTD. Nếu các TCTD gặp phải các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách sẽ được tháo gỡ và xử lý kịp thời.

Những TCTD có khả năng mở rộng tín dụng trên cơ sở tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo chất lượng tín dụng cũng sẽ được NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD hợp lý. NHNN cũng sẽ xem xét chấp thuận đề nghị của các TCTD cho vay vốn bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất – kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.

Cùng với đó, NHNN chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế đối với hoạt động cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, sẽ theo dõi sát tình hình thực hiện cho vay trong “Gói 30.000 tỷ” để mua nhà ở, phối hợp chặt chẽ và đề nghị bộ Xây dựng, các Bộ, ngành và địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đến cuối tháng 6/2013, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 10,69%, xuất khẩu tăng 3,62%, công nghiệp hỗ trợ tăng 2,68%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 12,49% so với cuối năm 2012.

Và đến cuối tháng 8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%, tăng 41,6% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm chiếm khoảng 16,77%, giảm 29,3% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,26%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012.