Chính sách tiền tệ đóng góp nhiều cho ổn định kinh tế vĩ mô
(Tài chính) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và nhất quán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo được sự yên tâm của công chúng và góp phần quan trọng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô…
TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính – ngân hàng: Trong hơn 3 năm qua, NHNN đã có nhiều đổi mới trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt và nhất quán hơn. Sự đổi mới mang tính bước ngoặt này đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Tính nhất quán trong chính sách tiền tệ rất quan trọng vì người dân và doanh nghiệp có thể dự đoán các quyết định của ngân hàng trung ương, từ đó chủ động lên kế hoạch cho mình và đơn vị kinh doanh của mình. Chính sách tiền tệ được điều hành nhất quán trong hơn 3 năm qua đã tạo được sự yên tâm, tin tưởng của công chúng đối với NHNN. Điển hình là những tuyên bố của NHNN gần đây về tỉ giá đã lập tức thay đổi xu hướng và hành vi của thị trường.
Sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ đã mang lại những kết quả gì? Những kết đó tác động thế nào đến tình hình kinh tế vĩ mô, thưa ông?
Việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và nhất quán của NHNN đã đóng góp rất nhiều cho sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, thể hiện cụ thể qua những kết quả như: Việt Nam đã kiểm soát lạm phát hiệu quả với tỉ lệ lạm phát giảm mạnh chỉ còn khoảng 3,2% vào cuối tháng 10 năm nay. Bên cạnh những biện pháp kiểm soát giá cả của Chính phủ thì việc kiểm soát cung tiền và điều hòa thanh khoản trên thị trường tiền tệ của NHNN là yếu tố quan trọng kéo tỉ lệ lạm phát xuống thấp như hiện nay, đồng thời giúp thị trường ngoại hối và giá trị tiền đồng ổn định từ ba năm nay. Việc NHNN điều chỉnh giảm giá tiền đồng một vài lần trong những năm qua là cần thiết để quân bình cung cầu trên thị trường ngoại hối và hỗ trợ xuất khẩu. Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP. Ngoài sự điều chỉnh cung tiền cho phù hợp, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tăng cường hoạt động tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.
Có thể nói, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả và đạt được hai mục tiêu chính của một ngân hàng trung ương là giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với tỉ lệ lạm phát hiện nay khoảng 4% và tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,8% trong 2014, nền kinh tế Việt Nam đang đạt được cả hai mục tiêu trên.
Ngoài ra, không thể không nói đến sự ổn định của thị trường vàng qua vai trò điều hành và điều hòa thị trường này của NHNN. Qua những phiên đấu thầu trong năm 2013, NHNN đã loại bỏ được những cơn sốt vàng và giảm thiểu hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế. Ngày nay dân chúng không còn quá chú trọng tích trữ vàng như trước đây.
Theo ông, đâu là những thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong những tháng cuối năm 2014 và năm 2015? Để nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cần tập trung vào những giải pháp gì?
Bên cạnh những thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ thì nhiệm vụ của Chính phủ còn phải duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đối với NHNN, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 6,2% và tỉ lệ lạm phát khoảng 5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2015 là một thách thức không nhỏ.
Trước mắt, tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu đang là những những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, kết quả đạt được trong thời gian qua về tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và giữ vững ổn định hệ thống ngân hàng là rất ấn tượng, thể hiện những nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng, không chỉ được dư luận trong nước ghi nhận mà còn được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao. Nhưng chắc chắn hai vấn đề này vẫn sẽ tiếp tục là tiêu điểm của năm 2015, năm cuối cùng trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ.
Theo tôi, điều hành chính sách của NHNN cần tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy các giải pháp xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống các TCTD; tăng cường công tác thanh tra giám sát đảm bảo an toàn và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện và tỉ lệ lạm phát được kiểm soát chặt chẽ thì nên xem xét thả nổi lãi suất cả đầu ra lẫn đầu vào để lãi suất thực sự vận động theo cơ chế thị trường.