Là một chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, chính sách thuế của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn cải cách. Có thể chia lịch sử hệ thống thuế Việt Nam thành 3 bước cải cách căn bản: Bước 1 là từ 1990-1995, bước 2 là từ 1996-2004 và bước 3 là từ 2005-2010. Trọng tâm của các bước cải cách 1, 2 là xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về thuế quy chuẩn, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các hoạt động của nền kinh tế và tài khóa quốc gia; Bước đầu tạo sự phù hợp của hệ thống thuế Việt Nam với thông lệ quốc tế, đảm bảo được tính tương thích với các nền kinh tế thị trường trong khu vực, hướng tới giai đoạn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Cả hai giai đoạn cải cách này đều thực hiện chủ yếu từ bên trong, yếu tố bên ngoài tác động hạn chế.
Trong giai đoạn cải cách bước 3, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Cho nên, nội dung cụ thể của cải cách thuế bước 3 hướng đến việc sửa đổi các sắc thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên và ban hành những loại thuế mới như thuế thu nhập cá nhân (TNCN), theo xu hướng tăng dần tỷ trọng thuế trực thu, tương ứng giảm dần tỷ trọng thuế gián thu, phù hợp với giai đoạn hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Việc thực hiện các cam kết quốc tế đa phương và song phương dẫn đến sự cắt giảm đáng kể nguồn thu từ thuế nhập khẩu; Thu nhập từ dầu thô cũng giảm sút.
Năm 2011, Chính phủ ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam trong giai đoạn tới năm 2020 (Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011). Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là (1) Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, công bằng, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước; (3) Là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả; (4) Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiệu quả, công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đi kèm với đó là các mục tiêu cụ thể. Trong quá trình vận động để đạt được các mục tiêu ấy, hệ thống thuế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Theo đó, hầu hết các sắc thuế đều được sửa đổi, bổ sung và để chính sách đi vào cuộc sống, ngành Thuế rất cần sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí. Trước mắt, giai đoạn 2011- 2015 tập trung tuyên truyền phổ biến các nội dung sửa đổi, bổ sung của một số Luật thuế chính theo lộ trình như sau: Năm 2012, tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế TNCN. Năm 2013, tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNDN; Luật phí, lệ phí. Năm 2014, tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế GTGT; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Năm 2015, tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tài nguyên.
Có thể nói, bằng nhiều nỗ lực cải cách thuế trong những năm qua đã mang lại những kết quả đáng kể. Thu ngân sách liên tục gia tăng. Năm 2012, tổng thu thuế của Việt Nam đạt 638.000 tỷ đồng, gấp gần 3,3 lần so với số thu thuế năm 2005. Mức tăng trưởng thu thuế phù hợp với mức tăng trưởng GDP, vì vậy tỷ lệ động viên từ thuế trên GDP trong 10 năm qua khá ổn định, ở mức 23% - 24% tổng GDP. Riêng trong năm 2013, tổng thu NSNN của cả nước đạt hơn 816800 tỷ đồng, bằng 101 % dự toán năm, tăng xấp xỉ gần 10% so với cùng kỳ năm 2012.
Tỷ lệ động viên thuế từ GDP đạt mức cao
Tỷ lệ động viên từ GDP vào thuế thể hiện hiệu quả của hệ thống thuế quốc gia, tuy vậy, cũng thể hiện gánh nặng thuế, tạo sức ép cho các chủ thể kinh tế. So sánh tỷ lệ động viên từ thuế vào NSNN của Việt Nam và một số quốc gia khác (Bảng 1) có thể thấy, tỷ lệ thu thuế trên tổng GDP của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển khá nhiều. Cụ thể, năm 2010, thu thuế/GDP của Nhật Bản ở mức 28%, Anh 35%, Pháp 43%, Mỹ 24%. Con số này tính trung bình cho các nước Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) là 34% năm 2010. Tuy vậy, nếu so với các nước đang phát triển cũng như các nước trong khu vực mức thu thuế trong tổng GDP của Việt Nam cao hơn. Năm 2010, tỷ lệ thu thuế trên tổng GDP của Singapore và Thái Lan lần lượt là 13% và 15%, thấp hơn mức động viên 24% của Việt Nam.
Mức thu ngân sách quá cao sẽ làm giảm tiết kiệm, đầu tư và làm nản lòng các doanh nghiệp. Mức thu ngân sách quá thấp lại ảnh hưởng tới mức chi ngân sách, cũng làm giảm mức đầu tư công, kéo theo đầu tư khu vực tư nhân cũng giảm. Bằng nghiên cứu thực nghiệm thực trạng thuế ở các quốc gia đang phát triển, Haldenwang và Ivanvna (2010) đã chỉ ra rằng, các nước có mức động viên thuế thấp cũng là các nước thường nhận được ít vốn ODA cũng như ít cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài hơn. Ngược lại, các nước thu nhập thấp có tỷ lệ động viên thuế cao lại nhận được các khoản viện trợ và vay nước ngoài nhiều hơn và vì vậy có nhiều nguồn vốn hơn cho phát triển kinh tế.
Một trong những chỉ số có thể gợi ý về ảnh hưởng hay gánh nặng của thuế tới nền kinh tế là tỷ trọng kinh tế ngầm trong tổng GDP của một quốc gia. Mặc dù có nhiều yếu tố dẫn tới sự xuất hiện của các hoạt động kinh tế không đăng ký vào hệ thống GDP chính thống nhưng thuế bao giờ cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu. Nghiên cứu của Schneider và đồng sự (2010) tính toán tỷ trọng của kinh tế ngầm cho 120 quốc gia khác nhau trên thế giới chỉ ra Việt Nam đứng ở vị trí số 13 với tỷ trọng kinh tế ngầm chiếm 15,3% GDP. So với các nước trong khu vực, thứ hạng của Việt Nam chỉ thấp hơn thứ hạng của Singapore (hạng 9) và cao hơn thứ hạng của các nước khác như Malaysia (hạng 59), Phillipines (hạng 95) và Thái Lan (hạng 115). Đây là dấu hiệu đáng mừng, gợi ý rằng thuế không thực sự là gánh nặng đối với các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam.
Ở Việt Nam, căn cứ vào tính ổn định của tỷ lệ động viên thuế so với tăng trưởng GDP trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, căn cứ vào mức ảnh hưởng của thuế với nền kinh tế, căn cứ vào mục tiêu chi tiêu ngân sách cũng như so sánh tỷ lệ động viên với các nước tương đồng. Như vậy, Việt Nam không nhất thiết phải tìm cách giảm tỷ lệ động viên thuế từ GDP nhưng cũng khó có thể tăng thêm nữa tỷ lệ này. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho chính phủ khi các thực hiện mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Xu hướng giảm thuế trực thu, tăng sức ép lên thuế gián thu
Trong tổng thu thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua, tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu về cơ bản cân bằng. Năm 2012, thuế trực thu chiếm 52% tổng thu thuế. Phần còn lại 48% là thuế gián thu. Thuế trực thu gồm các loại thuế trên thu nhập và thuế tài sản. Thuế gián thu chủ yếu là các loại thuế trên hàng hóa và dịch vụ.
Về lý thuyết, thuế trực thu trên thu nhập và tài sản của người chịu thuế sẽ công bằng hơn so với các loại thuế gián thu vì chủ thể có thu nhập cao và tài sản nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều hơn những người nghèo có thu nhập thấp và tài sản ít. Tuy vậy thuế trực thu tạo gánh nặng trực tiếp lên người có thu nhập và tài sản, ở khía cạnh nào đó tác động mạnh mẽ hơn các loại thuế gián thu, làm giảm động lực lao động và sản xuất của người dân và các doanh nghiệp, gia tăng thị trường ngầm (Schneider và Williams, 2013). Vì vậy, các nước nói chung hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển cấu trúc thuế theo hướng tăng dần tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế quốc gia (OECD 2006).
Trong những năm qua, tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu của Việt Nam trong tổng thu thuế chưa thể hiện sự chuyển biến. Tuy vậy, với chính sách nâng mức thu nhập tính thuế của thuế TNCN vừa qua cùng chính sách giảm dần thuế suất thuế TNDN xuống 20% tới năm 2016, Việt Nam đang thể hiện xu hướng giảm dần thuế trực thu. Hai sắc thuế này hiện chiếm tới hơn 40% tổng thu thuế của Việt Nam. Để đảm bảo nguồn thu ngân sách, Việt Nam phải tăng thuế suất và/hoặc mở rộng đối tượng chịu thuế của các loại thuế gián thu. Trong các sắc thuế gián thu, thuế xuất nhập khẩu khó có thể tăng do các cam kết tự do hóa thương mại mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế. Thuế tài nguyên phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khai thác về cơ bản cũng bị giới hạn. Như vậy, không gian điều chỉnh chỉ còn thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thuế suất các sắc thuế ở mức trung bình
Bảng 1 dẫn một số sắc thuế chủ yếu gồm thuế TNDN, thuế TNCN và thuế GTGT, cho thấy mức thuế suất hiện tại của Việt Nam ở mức trung bình so với khu vực Đông Nam Á và thấp hơn so với các nước phát triển. Việc tăng tỷ lệ động viên thuế thông qua tăng thuế suất vì vậy không còn nhiều không gian. Như vậy, tăng thu thuế gián thu của Việt Nam sẽ phải dựa chủ yếu vào mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng cường tuân thủ luật thuế, tránh trốn thuế.
Kiến nghị và đề xuất
Những phân tích trên đây cho thấy hệ thống thuế Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, hệ thống thuế Việt Nam đang gặp những thách thức lớn. Việt Nam cần tăng thu thuế để đáp ứng chi tiêu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tỷ trọng động viên vào thuế từ GDP đã ở mức cao so với khu vực, xu hướng giảm thuế trực thu tăng sức ép lên các loại thuế gián thu, trong khi đó thuế suất các sắc thuế đang ở mức trung bình của các nước trong khu vực nên cũng không còn nhiều không gian để tăng nữa.
Để đảm bảo thu thuế và không tạo thêm áp lực cho người nộp thuế, phân tích cũng đưa đến một số đề xuất sau:
Thứ nhất, Việt Nam nên tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ động viên thuế ở mức 23-24% GDP trong giai đoạn tới.
Thứ hai, thuế suất của các sắc thuế hiện tại đã ở mức trung bình phù hợp với các nước trong khu vực, nên trong quá trình cải cách các sắc thuế hạn chế thay đổi các mức thuế suất cơ bản theo hướng tăng vì sẽ tạo tâm lý tiêu cực cho chủ thể chịu thuế.
Thứ ba, để đảm bảo tỷ lệ động viên thuế từ GDP trong xu hướng chung phải giảm các sắc thuế trực thu, Việt Nam có thể mở rộng đối tượng chịu thuế của một số loại thuế gián thu, trong đó thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt là hai sắc thuế khả thi mà nhiều nước đi trước đã lựa chọn cải cách. Chẳng hạn, năm 2013, Ấn Độ bắt đầu áp dụng luật thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) mới toàn diện, thay thế cho Luật thuế GTGT cũ với trọng tâm là mở rộng đối tượng chịu thuế đối với các loại dịch vụ như một số dịch vụ khách sạn, hay tăng thuế suất đối với các dịch vụ điện thoại di động. Từ tháng 8 năm 2013, Trung Quốc triển khai luật thuế GTGT mới trên toàn quốc với đối tượng chịu thuế rộng hơn, bao gồm cả các dịch vụ hiện đại như sản xuất và xuất bản các dịch vụ nội dung số, các dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải khác (KPMG 2014). Việc mở rộng đối tượng chịu thuế này ngoài mục đích tăng nguồn thu còn đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề khác nhau thuộc nền kinh tế.
Cuối cùng, mặc dù không đề cập trong bài phân tích nhưng hệ thống quản lý thu thuế kém hiệu quả là tồn tại của Việt Nam cũng như của các quốc gia đang phát triển nói chung. Việc hoàn thiện hệ thống quản lý thu thuế, tăng hiệu quả của thu thuế, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế luôn là biện pháp tăng thu thuế hiệu quả ở bất cứ quốc gia nào trong đó có Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Haldenwang C. và Ivanvna M., 2010, Assessing the Tax Performance of Developing Countries, German Development Institute;
2. Schneider và đồng sự, 2010, Shadow Economies All over the World: New Estimates for 162 Countries from 1999 to 2007, World Bank;
3. Schneider và Williams, 2013, The Shadow Economy, The Institute of Economic Affairs, UK;
4. Các website: www.adb.org, www.mof.gov.vn, www.kpmg.com, www.oecd. org, www.rd.go.th, www.singstat.gov.sg.
Chính sách và thực trạng thu thuế tại Việt Nam
(Tài chính) Trong những năm gần đây, áp lực chi công tăng lên trong khi áp lực giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh lớn hơn làm thu ngân sách nhà nước trở nên căng thẳng. Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam tới năm 2020 đặt ra mục tiêu cụ thể cần đạt được. Trên cơ sở phân tích những thách thức của hệ thống thuế Việt Nam, bài viết đưa ra các gợi ý đóng góp cho hoạt động thu thuế tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Xem thêm