Nhu cầu đầu tư vốn tại các làng nghề TCMN

Làng nghề TCMN ở Việt Nam có lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Hiện nay, nước ta có khoảng 2.700 làng nghề, trong đó làng nghề TCMN chiếm khoảng 30% tổng số làng nghề. Các làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực (trung bình thu nhập của người lao động trong các làng nghề cao gấp 3-4 lần so với người lao động thuần nông). Các mặt hàng TCMN Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, được xuất khẩu trên 163 quốc gia.

Việc đầu tư vốn cho làng nghề có vai trò quan trọng:

- Đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại làng nghề sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và các quan hệ phức tạp khác như: xóa đói giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu… Các chính sách đầu tư hợp lý sẽ góp phần thực hiện các chính sách xã hội, một vấn đề đều được các nước và các tổ chức quốc tế quan tâm.

- Kinh tế làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các làng nghề nước ta hiện nay đang thiếu vốn để sản xuất, để mở rộng ngành nghề, để xây dựng cơ sở vật chất và kết cầu hạ tầng… Do vậy, chính sách vốn và các hoạt động đầu tư sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH) tại làng nghề, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

- Chính sách huy động và sử dụng vốn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế đều có thể tiếp cận các nguồn vốn để phát triển làng nghề.

Chính sách vốn và đầu tư đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ - Ảnh 1

Thực trạng chính sách vốn và đầu tư tại làng nghề thủ công mỹ nghệ

Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH là một chủ trương lớn của Đảng vả Nhà nước ta. Hiện nay, một trong những nội dung quan trọng của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là phát triển các làng nghề.

Các chính sách về vốn và đầu tư, tín dụng đã có nhiều đổi mới, góp phần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình và các DN trong làng nghề phát triển. Một số chính sách cụ thể như:

- Công văn số 08/NHNN-TD ngày 4/1/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn thực hiện Quyết định 132/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

- Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

- Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ.

- Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 22/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 22/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhìn chung, một số chính sách vốn và đầu tư mà Nhà nước ban hành đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và các làng nghề TCMN nói riêng. Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tập trung thực hiện cho vay theo chương trình, dự án mục tiêu, hỗ trợ về tài chính tại các làng nghề. Một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn đã quy định việc Nhà nước hỗ trợ tài chính dưới hình thức tín dụng ngân hàng với lãi suất ưu đãi, góp phần mở rộng phạm vi và cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho các hộ và DN tại các làng nghề. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với một số mặt hàng xuất khẩu, trong đó có mặt hàng TCMN xuất khẩu của các làng nghề (QĐ178/1998/QĐ-TTg ngày 19/9/1998).

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh trong các làng nghề còn được Quỹ hỗ trợ phát triển cho vay tín dụng đầu tư, hỗ trợ lãi suất đầu tư, bảo hành tín dụng đầu tư. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cho thấy các nguồn vốn để cung cấp cho các làng nghề còn rất hạn chế. Việc thiếu vốn xảy ra do khả năng tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất của các cơ sở còn thấp và do khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức hay bán chính thức còn hạn hẹp; do sự liên kết kinh tế với các đơn vị kinh tế khác còn yếu, chưa linh hoạt. Mặt khác, việc thực thi một số chính sách về vốn, đầu tư tín dụng còn chưa cụ thể, thiếu sự minh bạch.

Các đề xuất chính sách

Để tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế làng nghề phát triển, các chính sách và biện pháp được áp dụng như: Cải cách hệ thống ngân hàng, mở rộng và phát triển hệ thống thu hút và cung ứng vốn của các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phẩn, các hợp tác xã tín dụng…; Mở rộng cho vay, ban hành thể lệ tín dụng đối với các DN trong làng nghề; Phát triển các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính; Chấn chỉnh hoạt động của hệ thống tài chính phi chính phủ, mở rộng điều kiện cầm cố; Xúc tiến thị trường vốn trung hạn, dài hạn, thị trường chứng khoán; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của làng nghề thì những chính sách và biện pháp trên cần phải hoàn thiện, bổ sung trong thời gian tới và phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Phải tạo mọi điều kiện để huy động triệt để các nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các DN tại làng nghề; Vốn ngân sách phải được coi là nguồn vốn quan trọng cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tại làng nghề; Vốn tín dụng là nguồn vốn chủ yếu phục vụ cho đầu tư mở rộng sản xuất; Tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tranh thủ các nguồn viện trợ của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ; Chính sách đầu tư vốn cần tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực có khả năng huy động được nhiều sức lao động, làm ra được nhiều sản phẩm và hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tóm lại, chính sách là một công cụ quan trọng định hướng mọi hoạt động và hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó các làng nghề TCMN. Việc đánh giá thực trạng các chính sách nhà nước về hoạt động vốn và đầu tư tín dụng hiện nay trong việc phát triển làng nghề TCMN sẽ là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách vốn và đầu tư nhằm phát triển làng nghề TCMN trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008), “Báo cáo môi trường quốc gia, môi trường làng nghề Việt Nam”, Hà Nội

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2007), Một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, NXB Nông nghiệp, Hà Nội

3. Đặng Kim Chi và cộng sự (2010), Tài liệu hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường cho các làng nghề TCMN, NXB Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Thu Hường (2010), “Quản lý nhà nước về môi trường tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 168 (II), tr.70.

5. Jean – Pierre Cling, Mireille Razrfindrakoto, Francois Roubaud –IRD-DIAL (2008), “Đánh giá tác động của chính sách công: thách thức, phương pháp và kết quả”.

Chính sách vốn và đầu tư đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ

ThS. NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG

(Tài chính) Làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất hộ gia đình vẫn là chủ yếu, tương ứng với đó là quy mô vốn của các làng nghề nhìn chung còn nhỏ. Để phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Nhà nước nên áp dụng tổng hợp các giải pháp quản lý, trong đó có chính sách vốn và đầu tư tín dụng.

Xem thêm

Video nổi bật