Chơi Bitcoin như chơi dao!
(Tài chính) Dù chưa được các cơ quan chức năng chấp nhận nhưng giao dịch tiền ảo kỹ thuật số Bitcoin vẫn đang diễn ra tại nước ta, điểm nhấn là sàn giao dịch Bitcoin trong nước đầu tiên vừa được công bố, làm dấy lên rất nhiều lo ngại.
Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam do Công ty TNHH Bitcoin Vietnam thành lập, dự kiến vào cuối tháng 4/2014 sẽ bắt đầu chính thức giao dịch. Đại diện công ty này khẳng định mặc dù có nhiều tin tức bất lợi sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Bitcoin song việc sử dụng Bitcoin chưa bao giờ bị cấm ở Việt Nam.
Bên nói “không bị cấm”, bên bảo “chưa cấp phép”
Sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến do Công ty TNHH Bitcoin Vietnam và Công ty TNHH Bit2C hợp tác thành lập có tên gọi là VBTC, trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Giám đốc điều hành công ty, ông Nguyễn Trần Bảo Phương, cho biết việc ra mắt sàn giao dịch trực tuyến Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam sẽ là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Bitcoin tại Việt Nam. Công ty này cũng cam kết nghiêm túc tuân thủ tất cả quy tắc và quy định liên quan tại Việt Nam áp dụng cho Bitcoin, trong đó bao gồm việc áp dụng tiêu chuẩn cao về các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp các dịch vụ của công ty. Cũng theo công ty này, việc sử dụng Bitcoin hiện không bị cấm tại Việt Nam.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nếu xét về tính pháp lý thì đồng Bitcoin đúng là không bị cấm vì thực tế, NHNN mới chỉ cấm các tổ chức tín dụng sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. “Trên thực tế, đã có nhiều người sử dụng đồng Bitcoin với quan niệm là tài sản ảo, chỉ có giá trị với một nhóm người tham gia cuộc chơi này. Tuy vậy, Bitcoin vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam nên không được coi là phương tiện thanh toán song song với các phương tiện thanh toán khác” - ông Đức phân tích.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Hiện pháp luật nước ta chưa cho phép giao dịch, lưu hành, sử dụng loại tiền Bitcoin; chỉ cho phép sử dụng các đồng tiền Việt Nam, đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế, khu vực. Tuy nhiên, do tới thời điểm này, NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào quy định cấm giao dịch mua - bán Bitcoin hay trao đổi hàng hóa thông qua Bitcoin nên việc các cá nhân, tổ chức sử dụng Bitcoin tại Việt Nam chưa bị coi là vi phạm pháp luật”.
Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương, Bitcoin hiện vẫn chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam hiện hành nên không thuộc đối tượng chấp nhận theo nội dung điều chỉnh của nghị định về thương mại điện tử. Công ty TNHH Bitcoin Vietnam cũng chưa được cấp phép giao dịch thương mại điện tử qua sàn giao dịch.
Rất dễ “chết”
Thực tế, phương thức thanh toán này đã được một số doanh nghiệp đón nhận và có giao dịch. Ông Bùi Huy Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Đồng (đơn vị quản trị diễn đàn Làm cha mẹ), bày tỏ sự ủng hộ hình thức thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin trong các giao dịch quảng cáo, đồng thời công ty đã có tài khoản giao dịch ngay từ đầu tháng 1/2014. Theo ông Kiên, đây là phương thức thanh toán qua mạng rất mới mẻ, cơ chế mã hóa tốt nên bảo đảm giao dịch rất an toàn, thời gian giao dịch nhanh chóng.
Tuy vậy, đến nay, sau một thời gian chấp nhận thanh toán bằng phương thức này, hiện công ty mới chỉ tiếp nhận 1 giao dịch quảng cáo với giá trị 550.000 đồng, tương đương 0,03 Bitcoin quy đổi tại thời điểm giao dịch. “Hiện giá Bitcoin tại Việt Nam đang biến động thất thường do vẫn còn quá ít người sử dụng. Tuy nhiên, có thể hy vọng trong thời gian tới sẽ ổn định bởi số người sử dụng sẽ tăng lên. Giá Bitcoin tại Việt Nam được giao dịch là khoảng 1 Bitcoin “ăn” khoảng 11 triệu đồng, giảm khá mạnh so với vài tháng trước. Vào thời điểm loại tiền này mới xuất hiện, có giá 15 triệu đồng mỗi Bitcoin” - ông Kiên nói.
Luật sư Trương Thanh Đức nói thêm rằng đồng tiền này còn tiềm ẩn rủi ro khi giá cả quy đổi không hình thành trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. “Do đó, nếu người sử dụng chỉ tham gia quy mô nhỏ với tính chất thử nghiệm một hình thức thanh toán qua mạng thì không thành vấn đề nhưng nếu đổ vào số tiền lớn thì không khác gì “đánh bạc”, phải đối mặt với rủi ro lớn” - ông Đức khuyến cáo. Hơn nữa, đây là đồng tiền ảo, dùng để trao đổi, tính toán thành tiền khi có giao dịch nên nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ không có cơ sở pháp lý nào để phân xử, như vậy người sử dụng sẽ chịu thiệt thòi.
NHNN vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm cho rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân, như: ẩn chứa nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho người đầu tư, trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp...
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena, cho biết để “đào” được Bitcoin, người dùng cần đầu tư hệ thống máy tính cực mạnh rất tốn kém, sau đó phải tham gia vào mạng lưới và “cày” liên tục mới có hy vọng “đào” được Bitcoin. Việc này đầy hên xui, may rủi nên người dùng cần cân nhắc khi tham gia để tránh bị mất công sức, vốn đầu tư... , cuối cùng lại chẳng thu được gì. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cảnh báo thêm: “Bitcoin không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan nhà nước nào, pháp luật hiện nay tại nước ta cũng chưa điều chỉnh loại hình này, do đó người dùng sẽ không được bảo hộ về mặt pháp luật. Khi có vi phạm, tranh chấp thì sẽ không có luật điều chỉnh, cũng không thể kiện đòi các website giao dịch Bitcoin bởi các trang web này tới nay vẫn chưa được các quốc gia trên thế giới công nhận. Điều này dẫn tới việc sử dụng, giao dịch bằng Bitcoin sẽ rất rủi ro. Do đó, người dân, các nhà đầu tư nên tỉnh táo, không nên sử dụng loại tiền này nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như tài sản của mình”.
Trước tình hình hiện nay, theo ông Hậu, NHNN cần sớm có văn bản cảnh báo hoặc xem xét quy định cấm sử dụng, giao dịch Bitcoin tại Việt Nam để bảo vệ người dân, bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế.
Nhiều nước không chấp nhận
Bitcoin là dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính nào mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng (peer-to-peer). Có thể hiểu đơn giản là chỉ cần đầu tư một hệ thống máy tính đủ mạnh, đủ sức giải các thuật toán là người dùng có cơ may “đào” được một Bitcoin. Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013 thì được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư. Tại Việt Nam, việc “đào” và đầu tư vào Bitcoin bắt đầu có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Việc sở hữu Bitcoin do “đào” được tại Việt Nam là rất ít mà chủ yếu là mua qua một số sàn giao dịch.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng Bitcoin, như: Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Na Uy...