Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Cần biện pháp quyết liệt hơn
Thời gian qua, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, kém chất lượng... vẫn còn xảy ra. Vì vậy, thời gian tới, các ngành chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
Còn nhiều vi phạm
Theo ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Khánh Hòa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo - BCĐ 389), thời gian qua, các lực lượng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, nhất là các mặt hàng: thuốc lá, thực phẩm, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, ba lô, túi xách, giày dép, áo quần…
Điển hình như ngày 21-4, Đội QLTT số 1 kiểm tra cơ sở kinh doanh Châu Sport - H2 Store (đường Nguyễn Trãi, phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) đã phát hiện 200 áo thun mang nhãn hiệu Nike và Adidas không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đơn vị đã xử phạt hành chính cơ sở 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa này. Ngày 5-7, Đội QLTT số 5 kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Khí hóa lỏng (LPG) miền Trung - Chi nhánh Khánh Hòa (Khu Công nghiệp Suối Dầu, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm), phát hiện công ty đang lưu giữ, thu gom 420 chai LPG (bình gas) nhãn hiệu H-Gas nhưng không có hợp đồng mua bán chai, thuê chai LPG hoặc thỏa thuận về việc trao đổi chai LPG với chủ sở hữu. Đội đã trình Cục QLTT tỉnh xử phạt 70 triệu đồng; đồng thời buộc công ty trả lại 420 chai LPG nói trên cho chủ sở hữu.
9 tháng năm 2022, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp thực hiện 490 lượt kiểm tra, phát hiện 260 vụ vi phạm. Qua đó, xử lý số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3,7 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng; buộc tiêu hủy 3.017 sản phẩm, gồm: phụ tùng xe máy, giày dép, mỹ phẩm, quần áo, sữa tắm, túi xách, chà bông, yến thô… trị giá hơn 200 triệu đồng; tịch thu 6.330 sản phẩm thuốc lá, dụng cụ cơ khí, đồ dùng gia đình, phụ tùng ô tô, xe máy, máy nổ, thiết bị và phụ kiện điện nước, mũ bảo hiểm, nước hoa, quần áo, giày dép… trị giá hơn 400 triệu đồng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thành viên BCĐ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia Phạm Bình Minh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Mặt khác, các lực lượng liên quan chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa; tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm tăng về tần suất, đa dạng về hình thức, đảm bảo nội dung và chất lượng tuyên truyền.
Theo ông Sơn, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung kiểm tra đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa; hoạt động thương mại điện tử; chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng pháo các loại, rượu ngoại, điện tử, điện lạnh, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng; nắm tình hình, thu thập, xác minh và xây dựng phương án kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở đã được tuyên truyền, vận động ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng… Trước mắt, các lực lượng sớm xây dựng chương trình kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.