Chống buôn lậu ở An Giang: Cuộc chiến dai dẳng và gian nan

Bùi Thịnh (Báo Hải quan)

An Giang là một tỉnh biên giới, tiếp giáp hai tỉnh Kan-dal và Tà-keo của Cam-pu-chia, với chiều dài đường biên giới gần 100 km, gồm 2 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn. Địa hình vùng giáp biên vừa đồng bằng vừa sông rạch liền với nước bạn, rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu nhưng lại rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, nhất là vào mùa nước nổi.

Chống buôn lậu ở An Giang: Cuộc chiến dai dẳng và gian nan
Hàng nhập lậu bị hải quan An Giang thu giữ


Hiện nay, cư dân biên giới thuê đất làm lúa sinh sống bên phía Campuchia ngày càng nhiều. Thêm vào đó, phía Campuchia liên tục mở thêm Casino, dân địa phương qua lại thường xuyên. Các đối tượng buôn lậu dễ dàng qua lại biên giới để vận chuyển vàng, ngoại tệ và những hàng hóa nhỏ gọn có trị giá lớn.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Trưởng phòng Chống buôn lậu Cục Hải quan An Giang hướng dẫn chúng tôi đi thị sát các khu vực phức tạp về buôn lậu, cho biết: Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới An Giang  không tăng so với năm trước nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp.

Tuyến trọng điểm buôn lậu là: Khu vực xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Ðốc; khu vực thị trấn Tịnh Biên, xã An Phú, huyện Tịnh Biên; khu vực Vạc Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú. Ðối tượng buôn lậu hầu hết là các DN tư nhân, hộ kinh doanh cá thể có kho hàng tại khu vực biên giới. Hàng nhập lậu chủ yếu là đường cát Thái Lan, rượu ngoại, thuốc lá điếu, bánh kẹo, mỹ phẩm, quần áo cũ, điện thoại di động, hàng điện tử đã qua sử dụng. Mặt hàng lợi nhuận cao chủ yếu là thuốc lá và đường cát Thái Lan.

Đối tượng nhập lậu sử dụng thủ đoạn chẻ nhỏ hàng hóa, mang vác theo nhiều kiểu cách khác nhau, đi công khai giữa cánh đồng chung biên giới. Các đầu nậu thuê người dân sống dọc vùng biên mang vác, chạy vỏ lãi dọc tuyến kênh Chắc Ri, Vĩnh Tế và kênh Cây Gáo. Đặc thù của dòng kênh này là thông suốt từ Campuchia về đến sâu trong nội địa xã Vĩnh Ngươn và xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc). Hàng chuyển về được đầu nậu gom thành bãi tập kết nhiều điểm cố định khác nhau, sau đó, lợi dụng sự sơ hở của các cơ quan chức năng để đưa hàng bằng 2 con đường thủy bộ thêm một lần nữa xuôi về TP. Long Xuyên (An Giang) và đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đây, đường cát Thái Lan thường nhập lậu vào biên giới theo khối lượng lớn, sau đó chủ hàng đóng bao bì sản xuất trong nước, hoặc bao bì không nhãn mác nên lực lượng chống buôn lậu dễ xử lý. Gần đây, để hợp thức hoá, đường cát Thái Lan trước khi nhập vào An Giang được chủ hàng chuyển qua bao bì của các nhà máy trong nước, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, khiến lực lượng chức năng có phát hiện cũng rất khó xử lý.

Lãnh địa của hàng lậu được tập kết tại gò Tà Mâu (Campuchia), các đối tượng thường tập kết hàng hóa dưới sàn nhà của người dân dọc biên giới. Nếu trót lọt, bọn chúng nhanh chóng dùng xe máy chở đi tiêu thụ. Còn nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, thì toàn bộ lô hàng đều là “vô chủ”, phần lớn phương tiện vận chuyển đều là xe gắn máy không giấy tờ, biển số giả… nên khi gặp lực lượng tuần tra thì bọn chúng bỏ của chạy lấy người.

Theo chân cán bộ Ðội kiểm soát, Cục Hải quan An Giang đi trên con đường dọc biên giới tại khu vực xã Vĩnh Ngươn, chúng tôi thấy ba thanh niên đang chất hàng lên xe gắn máy. Khi chúng tôi xuống xe, một trong số họ vội vàng vác kiện hàng chạy ngược lại cánh đồng bên kia biên giới. Hỏi chuyện, người dân quanh vùng cho biết, đó là kiện hàng thuốc lá điếu. Đây là một trong những địa bàn trọng điểm buôn lậu ở tỉnh An Giang, vì vậy Ðội kiểm soát, Cục Hải quan An Giang đã trụ tại đây.

Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu (HQCK) quốc tế Tịnh Biên, các Chi cục HQCK quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Ðông và Ðội kiểm soát Cục HQ An Giang đều nhận định, tình hình buôn lậu từ đầu năm đến nay có phần dịu xuống. Tuy nhiên, hiện đã bắt đầu vào mùa nước nổi, nước tràn vào các cánh đồng biên giới nhưng chưa sâu, nên các lực lượng chức năng chưa thể sử dụng phương tiện xuồng máy để đuổi bắt trên cánh đồng. Lợi dụng yếu tố này, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều cách để vận chuyển hàng nhập lậu. Dân nghèo biên giới sống chủ yếu bằng nghề đai vác hàng hóa thuê cho đầu nậu. Vì vậy cuộc đấu tranh chống buôn lậu ở đây diễn ra dai dẳng và gian nan.

Với sự kết hợp chặt chẽ cùng các đơn vị chức năng, từ đầu năm 2012 đến nay, Hải quan An Giang đã bắt giữ được 99 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trị giá: 21.748.571.000 đồng; trong đó có 34 vụ nhập lậu, trị giá: 2.250.169.000 đồng; 03 vụ xuất lậu, trị giá 1.109.963.000đ và 62 vụ vi phạm thủ tục hải quan, trị giá: 18.388.439.000đ. So với năm trước giảm 10,98% về số vụ và tăng 11 lần (1.029,7%) về trị giá.

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, trong mùa nước nổi này, các cơ quan chức năng ở An Giang, nhất là Cục Hải quan An Giang đang tăng cường công tác kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm và tuyên truyền về pháp luật cho cư dân biên giới và các chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, để chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, cần tăng cường trang bị phương tiện cho cơ quan hải quan như xuồng máy và phương tiện thông tin liên lạc.