Chưa có giải pháp cho các vướng mắc ở trạm BOT T2
Những ngày gần đây, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành, nhiều tài xế tiếp tục phản ứng về việc thu phí cũng như vị trí đặt Trạm thu phí BOT T2.
Sáng 23/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có cuộc họp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc tại trạm thu phí BOT T2 (đặt trên Quốc lộ 91 thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).
Ngay từ sáng sớm, đông đảo phóng viên các báo, đài ở Trung ương và địa phương đã tập trung tại UBND quận Thốt Nốt, nhưng theo thông báo đây là cuộc họp nội bộ nên không được tham dự.
Những ngày gần đây, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành, nhiều tài xế tiếp tục phản ứng về việc thu phí cũng như vị trí đặt Trạm thu phí BOT T2. Các tài xế cho rằng, vị trí đặt trạm như hiện nay là bất hợp lý và không đồng ý mua vé qua trạm.
Ông Lê Thành Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nguyễn Huệ (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho rằng, cầu Vàm Cống thông xe giúp giao thông thuận tiện, người dân không phải qua phà và qua cầu không phải tốn phí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải và tài xế đi tuyến Long Xuyên – Kiên Giang hoặc đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại rất bức xúc trước việc phải trả tiền phí qua trạm BOT T2, trong khi chỉ sử dụng vài trăm mét đường của dự án.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí, tỉnh đề xuất những xe đi từ hướng Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống về An Giang thì được phát một tấm thẻ tới trạm rồi trả thẻ đó và mua vé 2.000 đồng để qua trạm (tương đương 200 m đường BOT của dự án). Những xe đi từ hướng An Giang về Kiên Giang qua cầu Vàm Cống thì phương án có thể là bán vé 2.000 đồng, đối với xe đi Cần Thơ thì xuống tới trạm T1 mua tiếp vé 33.000 đồng.
“Phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì bán vé cho tài xế ở trạm T2, nhưng khi phương tiện vào Quốc lộ 80 để về Kiên Giang hoặc về cầu Vàm Cống đi Thành phố Hồ Chí Minh thì phải trả lại 33.000 đồng”, ông Trí thông tin.
Ông cho rằng, vấn đề thu phí ở trạm BOT T2 đã được đặt ra từ lâu và cũng được xử lý bằng phương pháp miễn, giảm, nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước đây, còn hiện nay không còn phù hợp bởi khi cầu Vàm Cống thông xe tình hình cũng thay đổi.
“Trước đây chỉ có xe của tỉnh An Giang và Kiên Giang qua trạm, nhưng hiện tại xe của tất cả các tỉnh, thành phố đổ dồn về An Giang đều qua trạm BOT T2. Ở An Giang, không chỉ xe ở Long Xuyên mà Châu Đốc, Tịnh Biên... thay vì trước đây đi hướng Tân Châu - Hồng Ngự thì nay chuyển sang đi hướng cầu Vàm Cống nên giải pháp trước đây không còn phù hợp”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang phân tích.
Cũng theo ông Trí, tất cả các thành phần tham gia cuộc họp đều cho rằng phương án di dời trạm BOT T2 là không khả thi, tốn kém vì còn nhiều giải pháp khác khả thi.
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải để có hướng giải quyết phù hợp trong thời gian tới; đồng thời đề nghị Tổng cục có thông cáo báo chí nhằm tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Việc thu phí ở trạm này là chuyện nhỏ, nhưng sự xáo trộn về xã hội và gây mất an ninh trật tự mới cần chú trọng.
Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang Nguyễn Ngọc Xuân cho rằng, cầu Vàm Cống được xây dựng từ vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền 5.700 tỷ đồng thì các phương tiện được miễn thu phí. Trong khi đó, trạm T2 chỉ nâng cấp và mở rộng 40 km trên Quốc lộ 91 thì lại thu mức phí tới 50% đối với các phương tiện chỉ sử dụng quãng đường chưa đầy 200 m để qua trạm T2.
Với vị trí đặt trạm thu phí BOT T2 hiện nay, chủ đầu tư không chỉ thu tiền của những phương tiện lưu thông tuyến Long Xuyên - Cần Thơ mà còn thu tiền toàn bộ phương tiện của An Giang khi đi Kiên Giang hoặc thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn N.H, lãnh đạo một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Long Xuyên cho biết, cầu Vàm Cống khánh thành và đưa vào hoạt động là niềm vui chung của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phương tiện ô tô chỉ sử dụng chưa đầy 200 m khi qua trạm thu phí BOT T2 mà phải đóng tiền toàn tuyến là điều khó thể chấp nhận.
Anh H tính toán, nếu đi Thành phố Hồ Chí Minh, khi đi vòng đường cầu Vàm Cống xa hơn đi phà Vàm Cống 11 km với thời gian 18 phút, nhưng lại nhanh hơn nếu phải chờ phà từ 30 - 40 phút.
Với quãng đường 11 km tiêu hao chưa đầy 1 lít xăng (gần 17.000 đồng/lượt) cộng thêm 35.000 đồng/lượt vé qua trạm BOT T2 thì lên tới gần 52.000 đồng/lượt. Trong khi đó vé đi phà là 25.000 đồng/lượt và tính ra đi cầu Vàm Cống "lỗ" 27.000 đồng/lượt. Bởi vậy, người dân mong phà Vàm Cống vẫn hoạt động để phục vụ việc đi lại của các nhà xe và tài xế, anh H bộc bạch.
Được biết, trong cuộc làm việc mới đây với Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm giải quyết triệt để vấn đề trạm BOT T2 để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự.