Chưa thể yên tâm với việc giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng

Theo Đại biểu Nhân dân

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 chỉ tăng nhẹ dù giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng 1.500 đồng/lít. Nhưng diễn biến giá hàng hóa trong cuối tháng 4 đang đặt ra nhiều thách thức cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát năm nay.

Chưa thể yên tâm với việc giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng
Ảnh minh họa. Nguồn: baokhanhhoa.com.vn

Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, CPI trong tháng 4 chỉ tăng 0,02% so với tháng liền trước. Mặc dù CPI tháng 4 cao hơn 6,61% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng nếu so sánh với tháng 12.2102 thì chỉ tăng 2,41%. Mức tăng so với tháng 12.2012 thấp như vậy sẽ tạo nhiều dư địa cho việc thực hiện mục tiêu giữ lạm phát năm nay từ 6 - 8% như Chính phủ đưa ra.

Không như lo lắng của nhiều người về tác động tăng giá xăng dầu dẫn tới tăng giá các mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến CPI, trong tháng 4, nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại giảm mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính giá tiêu dùng. Cụ thể, nhóm lương thực giảm 0,86%; thực phẩm giảm 1,24%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12% so với tháng trước. Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục thể hiện sự ổn định về giá dịch vụ khi tiếp tục giảm 0,15% so với tháng trước; tính từ đầu năm đến nay, giá nhóm này đã giảm 0,28%.

Nhưng có thể yên tâm với kết quả kiềm chế lạm phát hay không? CPI tháng 4 tăng nhẹ bởi nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số tăng cao nhất trong tháng này, với mức tăng 3,62% so với tháng trước. Trong khi đó, hiện nay, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chỉ xây dựng kế hoạch điều chỉnh. Nếu kế hoạch này được thực hiện ngay tháng 5 thì việc giữ mức tăng CPI thấp, cũng như thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ khó hơn.

Có thể thấy, trong 10 tỉnh, thành phố được đưa ra tính thì có 8 địa phương tăng CPI, hiện chỉ có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giảm. Vì thế, diễn biến chỉ số này trong thời gian tới sẽ có thay đổi, cần thận trọng trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Một diễn biến khác cần được quan tâm là cuối tháng 4, một số loại thực phẩm được bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tăng giá. Ví dụ như nước tương Maggi đậu nành nắp đỏ đã tăng thêm 2.000 đồng lên 25.000 đồng/chai 750ml; các loại mì gói tăng khoảng 100.000 đồng/thùng. Ngoài ra, mì chính tăng 260.000 đồng/thùng từ 990.000 đồng lên 1.250.000 đồng/thùng, giá bán lẻ tương đương 25.600 đồng/gói, tăng thêm 700 đồng so với giá cũ.

Một số mặt hàng khác như nước ngọt Red Bull, bánh kẹo cũng tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/thùng. Đây là mức giá giao hàng cho các tiểu thương, chưa phải giá bán lẻ cuối cùng, trong khi, giá bán lẻ thông thường có khoảng cách lớn với giá bán buôn. Điều này cũng cho thấy mức giảm 400 đồng/lít xăng, dầu mới đây không thể giúp giữ giá hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Các siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng nhận được thông báo tăng giá bán của đa số mặt hàng. Siêu thị Co.op Mart nhận được thông báo của các doanh nghiệp hóa phẩm và đồ gia dụng, với tỷ lệ tăng giá được đề nghị dao động từ 4-8%. Đại diện hệ thống Vinatexmart cũng nhận được đề nghị tăng giá 10-15% của một số nhà cung cấp ngành may mặc và hóa phẩm; tăng 5-10% đối với thực phẩm đông lạnh. Lotte Mart cũng nhận được yêu cầu tăng giá từ ngành hàng thực phẩm tươi sống như thủy hải sản tăng giá 5-10%.

Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa Nguyễn Phương Thảo cho biết, từ đầu năm đến nay, siêu thị nhận được đề nghị tăng giá của nhiều nhà cung cấp, với mức tăng 5-10% ở tất cả ngành hàng. Lý do mà nhà cung cấp đưa ra là suốt cả năm chưa tăng giá, thời điểm này giá nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng nên buộc phải tăng giá.

Các hệ thống siêu thị hiện đang cân nhắc điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng do sức mua của thị trường hiện nay đang yếu. Nhưng như đại diện Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh đánh giá thì trong cuối tháng 3 vừa qua và nửa đầu tháng 4, giá bán hàng hóa nhìn chung ít thay đổi, đặc biệt nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại có xu hướng giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến CPI tháng này chỉ tăng nhẹ dù giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng thêm 1.500 đồng/lít trong đầu tháng. Nhưng đại diện Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự thay đổi giá hàng hóa trong cuối tháng 4 sẽ tác động đến CPI tháng 5 tới.