Chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngày 20/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với 9 điểm mới cơ bản và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2015, Thông tư 36 tạo nên những chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng.

Chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo

Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng sở hữu chéo, tập trung tín dụng, trước hết, Thông tư 36 bổ sung khái niệm người có liên quan của cá nhân, tổ chức làm căn cứ duy trì, tính toán các giới hạn cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần, đầu tư của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, bổ sung các yêu cầu về công khai, báo cáo việc cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần đặc biệt đối với người có liên quan của những đối tượng không được cấp tín dụng, đối tượng hạn chế cấp tín dụng. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bổ sung danh sách cổ đông, thành viên quản lý, điều hành, kiểm soát để tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro, hạn chế việc tập trung vốn, sở hữu chéo, thao túng hoặc chi phối thông qua những người có liên quan.

Thứ ba, bổ sung một số quy định về điều kiện, giới hạn góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát của ngân hàng thương mại, công ty tài chính. Theo đó, về giới hạn, ngân hàng, công ty tài chính mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác và nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác không được vượt quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. Việc này vừa nhằm hạn chế đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, vừa hạn chế sở hữu chéo.

Buộc tổ chức tín dụng duy trì đúng các tỷ lệ bảo đảm an toàn

Tiếp đó, Thông tư quy định nguyên tắc, cách xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như nghĩa vụ của các đơn vị này và cách xử lý của NHNN trong trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định. Đồng thời, bổ sung quy định về vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các TCTD.

Đặc biệt, hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán được điều chỉnh từ 250% theo quy định tại Thông tư 13 xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ) nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán phát triển.

Thứ năm, quy định cụ thể tài sản Có tính thanh khoản cao thành một phụ lục nhằm bảo đảm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ đáp ứng các nhu cầu chi trả khi đến hạn và phát sinh ngoài dự kiến.

Thứ sáu, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn được quy định cụ thể cho từng loại hình TCTD; đồng thời, quy định rõ tỷ lệ về việc đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ của từng loại hình nhằm bảo đảm an toàn thanh khoản, chi trả.

Thứ bảy, để kiểm soát hoạt động cho vay, bảo đảm không vượt quá khả năng nguồn tiền gửi, Thông tư 36 bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi đối với từng loại hình TCTD.

Không cho vay để kinh doanh cổ phiếu

Thứ tám, Thông tư 36 cũng bổ sung các quy định về việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu so với vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp. Ngân hàng không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và không cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Ngân hàng thương mại cũng không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính ngân hàng đó, trừ trường hợp cho người lao động của ngân hàng thương mại nhà nước để mua cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa. Ngoài việc góp phần ổn định, lành mạnh cho thị trường chứng khoán, quy định này còn mở rộng khả năng cấp tín dụng cho cộng đồng và nền kinh tế cũng như các lĩnh vực sản xuất, khu vực mà Nhà nước khuyến khích đầu tư  hoạt động ổn định, lành mạnh.

Cuối cùng, các quy định chuyển tiếp trên nguyên tắc không hồi tố, không tác động đến những hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện trước ngày Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1.2.2015), đồng thời quy định thời gian tối đa để các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh và thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư này.