Chứng khoán chịu chung “số phận” cùng giá dầu
(Tài chính) Không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của giá dầu thế giới trong những ngày qua tác động tới thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Giá của loại “vàng đen” này đã trở thành tâm điểm chính của thị trường khi liên tục rớt giá thảm hại.
Về cơ bản, thị trường hàng hóa nói chung và dầu thô nói riêng luôn chứa đựng những yếu tố tâm lý và đầu cơ mang tính cố hữu.
Giá dầu thế giới giảm mạnh và tác động lớn đến thị trường chứng khoán các nước trong đó có Việt Nam. Chúng tôi xin trích đăng bản nhận định của Chứng khoán BIDV-BSC về giá dầu để nhà đầu tư có thêm thông tin về loại "vàng đen" này.
Giá dầu dường như đã trở thành tâm điểm chính của thị trường cổ phiếu trong những ngày gần đây khi liên tục phá các mốc hỗ trợ quan trọng, đẩy giá cổ phiếu năng lượng nói riêng và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung xuống. Đến thời điểm hiện tại giá dầu WTI đã thủng 60 xuống sát 59 USD/thùng ; dầu Brent cũng rớt xuống còn 63 USD/thùng.
Khi nào giá dầu ngừng giảm? Có lẽ đây là câu hỏi được quan tâm nhiều nhất trong thời điểm hiện tại. Để trả lời câu hỏi này, đặc biệt là dưới góc nhìn ngắn hạn là vô cùng khó khăn. Dẫu biết rằng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật hiện tại từ 58 đến 60 là khá cứng nhưng việc giá dầu trước đó giảm tới 40% trong khoảng thời gian ngắn ngủi dẫn đến sự lo ngại phổ biến rằng bất cứ điều gì tồi tệ hơn nữa cũng có thể xảy ra. Quả thực nếu xuyên thủng hỗ trợ 58 việc nghĩ tới kịch bản 40 USD/thùng – mức đáy năm 2008 – sẽ không còn là điều quá xa vời.
Giờ hãy thử nhìn dài hạn hơn, nếu xét tới những nguyên nhân chính dẫn tới sự đà giảm của giá dầu gần đây, đó là (1) sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh, và (2) kỳ vọng kinh tế châu Âu và châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) sẽ suy giảm. Về nguyên nhân đầu, nhờ công nghệ khai thác mới, Mỹ đã giảm nhập khẩu và bớt phụ thuộc vào nguồn dầu khí nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí sản xuất trung bình được cho là cao hơn rất nhiều chi phí sản xuất dầu từ các nước OPEC. Ước chi phí khai thác dầu đá phiến và các mỏ dầu ngoài khơi của Mỹ khoảng 80 đô la/thùng. Do đó về lâu dài, việc giá dầu giảm ở mức thấp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho ngành dầu khí của Mỹ, gây sức ép lên các công ty của Mỹ sẽ phải cắt giảm sản lượng trong tương lai và cân bằng lại cán cân cung - cầu.
Bên cạnh đó, nếu nhìn từ phía cầu, dự báo kinh tế thế giới và các khu vực (trừ châu Á) trong 02 năm tới vẫn có sự tăng trưởng. Kinh tế thế giới dự báo có tốc độ tăng từ 2,41% trong năm nay lên 2,87% năm 2015 và 3,07% năm 2016. Châu Âu được dự báo tăng 1,2% trong năm sau (từ 0,8% năm nay) trong khi Mỹ sẽ tăng lên 3% (từ 2,3% năm nay). Như vậy, rủi ro lớn nhất về phía cầu đến từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ tuy nhiên phần còn lại của thế giới cũng không đến mức quá tồi tệ trừ khi một lần nữa xảy ra cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu (rủi ro vốn đang được đánh giá là rất thấp).
Về cơ bản, thị trường hàng hóa nói chung và dầu thô nói riêng luôn chứa đựng những yếu tố tâm lý và đầu cơ mang tính cố hữu. Giải thích cho đà rơi nhanh chóng của giá dầu trong thời gian gần đây, có lẽ ngoài những nguyên nhân bao gồm những nguyên nhân chính nêu trên, thì yếu tố tâm lý và đầu cơ cũng là khó tránh khỏi. Cũng giống như thị trường cổ phiếu, mọi việc xảy ra luôn dựa trên kỳ vọng tương lai. Tuy nhiên kỳ vọng có thể thay đổi theo thời gian và tác động của kỳ vọng do đó cũng sẽ không kéo dài mãi.