Chứng khoán có thể sẽ đón nhiều đợt sóng mạnh hơn

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Phiên giao dịch bùng nổ ngày 20/2 với thanh khoản hai sàn lên đến gần 5.500 tỷ đồng, được các chuyên gia cho rằng chỉ là cơn địa chấn đầu tiên. Dự báo, sắp tới chứng khoán sẽ còn đón thêm nhiều đợt sóng mới mạnh hơn.

Chứng khoán có thể sẽ đón nhiều đợt sóng mạnh hơn
Khi niềm tin vào thị trường càng lớn, sóng đầu tư càng mạnh. Nguồn: internet

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2, thanh khoản tại HOSE đã xác lập kỷ lục mới về khối lượng giao dịch kể từ khi mở cửa thị trường với gần 260 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng, tổng trị giá 4.031,64 tỷ đồng. Lực bán tăng cao nhưng cầu bắt đáy cũng rất mạnh.

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh trong năm 2013, khối lượng giao dịch bình quân ngày đạt 64,48 triệu chứng khoán với tổng giá trị 1.060 tỷ đồng. Bước sang 2014, tính từ phiên giao dịch ngày 2/1 đến 19/2, khối lượng giao dịch bình quân ngày trên HOSE đạt khoảng 107 triệu chứng khoán với giá trị giao dịch khoảng 1.786 tỷ đồng. 

Trong khi đó, sàn Hà Nội mặc dù chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp nhưng cũng có lực mua bán cởi mở, xả hàng mạnh và bắt đáy cũng đầy hưng phấn. Thanh khoản tại HNX đạt gần 148,8 triệu đơn vị, tăng hơn 40% so với phiên trước đó, tương đương 1.448,63 tỷ đồng.

Không ít nhà đầu tư nội hoang mang trong phiên ngày hôm qua. Do thấy tín hiệu điều chỉnh mạnh, nhiều tay chơi cổ phiếu đã mất kiên nhẫn và đua nhau đặt lệnh bán. Ngọc Anh - thành viên trong một nhóm đầu tư tại Hà Nội chia sẻ chị vừa bán GAS cùng một số mã ngân hàng do lo ngại đợt giảm sâu trong phiên và thấy các bạn đầu tư cũng khuyên nên rút. Tuy vậy, chỉ ít phút sau, chị bỗng thấy tiếc khi những mã này có dấu hiệu hồi phục nhẹ.

Trái ngược với áp lực xả hàng của nhà đầu tư trong nước, khối  ngoại vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng trên cả 2 sàn. Hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 15,94 triệu cổ phiếu, trị giá 282,18 tỷ đồng và chỉ bán ra 8,73 triệu đơn vị, ứng với 195,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị mua ròng là 187,37 tỷ đồng.

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, phiên ngày 20/2 nhiều mã giảm sàn nhưng lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện mạnh và khớp lượng dư sàn lớn. Điều này cho thấy dư địa của dòng tiền chờ mua trong thị trường vẫn còn nhiều. Với quy mô dòng tiền ở một mặt bằng mới, thị trường nhiều khả năng chưa kết thúc sóng tăng tại đây. Sự điều chỉnh hiện tại có thể chỉ mang tính chất ngắn hạn.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán FPTS nhận xét, động thái sụt giảm mạnh vào thời điểm cuối ngày hôm qua trên cả 2 sàn chỉ là hiện tượng phân phối đỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, với việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng tích cực và sức cầu mạnh vẫn đổ vào HOSE và HNX, thị trường vẫn sẽ có nhiều kỳ vọng phục hồi trở lại. FPTS dự báo những phiên sắp tới, nếu hiện tượng tiết cung xuất hiện thì nhà đầu tư lướt sóng có thể thận trọng cân nhắc tham gia thị trường, nhưng chỉ nên đầu tư theo danh mục.

Chuyên gia Chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán MB, Trần Hoàng Sơn nhận định, thanh khoản phiên giao dịch cả hai sàn ngày 20/2 được xem là cao nhưng vẫn chưa phá kỷ lục hơn 9.000 tỷ đồng hồi năm 2009. Với diễn biến dòng tiền dồi dào của nhà đầu tư đổ vào thị trường kể từ đầu năm, ông cho rằng giá trị giao dịch chứng khoán còn có thể lập thêm nhiều kỷ lục trong năm nay.

Chuyên gia này cho biết, năm 2014 được xem là thời điểm “vàng” của đầu tư chứng khoán. Do vậy nhà đầu tư cũng có cơ hội chốt lời cả với những mã penny. “Nhưng tốt nhất, danh mục vẫn nên giữ tối thiểu 50% cổ phiếu cơ bản tốt thuộc nhóm midcap hoặc top vốn hóa lớn. Vì nếu kỳ vọng thị trường tăng trưởng trong năm nay, chắc chắn những cổ phiếu này cũng lên”, vị này khuyến nghị.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét, phiên giao dịch ngày 20/2 đã cho thấy dấu hiệu thị trường chứng khoán đang đón thêm dòng tiền mới bên cạnh những dòng vốn cũ. Nhiều  khả năng, dòng tiền từ các kênh tiết kiệm hoặc những kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn đã dịch chuyển sang chứng khoán.

Theo ông Hiển, trong bối cảnh đầu năm, nền kinh tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến ngoại trừ chính sách mới và những kỳ vọng, thị trường chứng khoán đã trở thành thỏi nam châm hấp dẫn 2 nhóm nhà đầu tư. Một là nhóm đầu tư theo chuỗi giá trị (dựa trên các chỉ số về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, dòng tiền, nguồn thu, kỳ vọng lợi nhuận, giá trị sổ sách, giá cổ phiếu hiện tại và kỳ vọng tương lai). Hai là nhóm đầu tư theo hình thức lướt sóng và nhóm này đang trỗi dậy với đòn bẩy tài chính khá lớn. Đây chính là nguyên nhân đẩy lực hút dòng tiền vào chứng khoán lên cao.

Chuyên gia này phân tích, trong cả năm 2013, Vn-Index tăng 20%. Trong khi đó chỉ chưa đến 2 tháng kể từ đầu năm 2014, chỉ số sàn TP. Hồ Chí Minh đã tăng xấp xỉ 10%, một tỷ lệ rất lớn với tốc độ nhanh, mạnh. Trong tâm lý hưng phấn này, về ngắn hạn nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục đón nhiều làn sóng đầu cơ mới, nhưng chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh trong dài hạn. "Khi niềm tin vào thị trường càng lớn, sóng càng mạnh, tỷ suất đầu tư và đòn bẩy tài chính càng hấp dẫn cũng là lúc thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro nhất", ông Hiển khuyến cáo.