Chứng khoán: Niềm tin trở lại

Theo Báo Đầu tư

Sáng 16/10, TTCK Việt Nam bừng tăng mạnh trên cả 2 sàn với nhiều mã cổ phiếu có dư mua trở lại và tăng giá.

Chứng khoán: Niềm tin trở lại
Nhiều thành viên thị trường nhận định, thông điệp về những chủ trương, chính sách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ...…sau Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã mang sự lạc quan cho các NĐT trên TTCK Việt Nam.

Sự tăng điểm của TTCK phiên 16/10 đã được dự liệu từ trước khi dấu hiệu thị trường ấm trở lại đã xuất hiện trong một vài phiên trước đó. Kết thúc phiên chiều 16/10, sàn HOSE có 191 mã tăng giá, còn sàn Hà Nội có 190 mã tăng giá. Các cổ phiếu trong Top 30 (VN 30 và HNX 30) đồng loạt tăng trần.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: trong những tháng còn lại của năm 2012 và năm 2013, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường lành mạnh hóa, ổn định kinh tế vĩ mô; đặc biệt chú trọng ổn định, lành mạnh hóa, bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư và chi tiêu công. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải quyết tình trạng nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN; khuyến khích đầu tư trong nước và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp và du lịch. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo. Quá trình tái cấu trúc đầu tư công, DNNN và đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại cần phải được đặt trong tổng thể và gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư và tái cấu trúc thị trường tài chính nói chung.

Về sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Kiên quyết điều chỉnh để DNNN?có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của bốn lĩnh vực chính, bao gồm: Công nghiệp quốc phòng; công nghiệp độc quyền tự nhiên; lĩnh vực cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu; và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. Sớm chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các DN có dưới 50% vốn nhà nước”.

Cũng theo Tổng Bí thư, các DNNN phải được tổ chức lại theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với Luật Doanh nghiệp; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên TTCK.

Được ví là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, TTCK Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Trong khối CTCK, DN niêm yết, công ty quản lý quỹ, nhiều cuộc thanh lọc đầy đau đớn đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng chính từ điểm “cực xấu” này, giá trị đẹp nhất của TTCK đang dần được nhận diện rõ hơn trong nền kinh tế, đó là sự minh bạch và công bằng.

Bản thân TTCK đang phải tái cấu trúc mạnh mẽ để thanh lọc và cải tiến chất lượng. Đã và sẽ có nhiều DN, nhiều chủ thể bị đào thải trước áp lực minh bạch, áp lực hiệu quả, nhưng sau quá trình này, những DN, chủ thể đứng vững được sẽ có môi trường tốt hơn để phát triển. Nền kinh tế cũng vậy. Khi quá trình tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả được bắt đầu từ việc nhìn thẳng vào sự thật, xác lập sự minh bạch từ các chủ thể chính (DNNN, tổng công ty, tập đoàn) thì dù phải trải qua “cơn đau” nào đi nữa, dù cần nhiều thời gian để thực hiện, vẫn sẽ đến bến bờ thành công.