Chúng ta cần bao nhiêu tiền để sống hạnh phúc?
“Trên thực tế, số tiền bạn kiếm được không quan trọng bằng cách bạn kiếm ra nó và làm gì với nó”.
Quan điểm cho rằng tiền không thể mua được hạnh phúc đã bị các nhà khoa học phản bác, ít nhất trên một vài cơ sở. Các chuyên gia nói rằng hạnh phúc có thể tăng lên cùng với sự giàu có, nhưng mối liên hệ này chặt chẽ nhất khi mức thu nhập của bạn đạt ít nhất 75.000 USD/ năm.
“Mức thu nhập của một người càng thấp so với chỉ số cơ bản, thì mức độ bất hạnh của người đó sẽ càng tăng cao. Tuy nhiên, khi bạn kiếm được trên 75.000 USD, nghiên cứu chưa chứng minh được mức độ hạnh phúc của bạn”, kết luận được tiến hành bởi nhà kinh tế học Angus Deaton và nhà tâm lý học Daniel Kahneman đến từ trường Đại học Princeton đăng tải trên tạp chí Times năm 2010.
Dẫu vậy, một nghiên cứu do nhà khoa học Norman Vanamee đến từ tổ chức Town & Country tiến hành mới đây chỉ ra rằng tiền bạc hoàn toàn có thể mua được hạnh phúc ở mức độ cao.
Theo Vanamee, số tiền bạn kiếm được càng nhiều sẽ cho phép bạn theo đuổi những đam mê cá nhân lớn hơn – chẳng hạn như tham gia hoạt động từ thiện, nghệ thuật hay đi du lịch – và nó cũng không ngăn cản bạn thực hiện ý định giúp đỡ bạn bè hay dành phần lớn thời gian của mình cho những hoạt động giải trí.
Trong nghiên cứu này, Vanamee đã xây dựng một gia đình kiểu mẫu: Một cặp vợ chồng giàu có với 2 đứa con tuổi teen sống ở New York. Họ có một ngôi nhà để nghỉ ngơi ở Caribbean và Hamptons, cho con cái học ở các trường tư thục, sở hữu một căn hộ đắt tiền trên Đại lộ số 5 nổi tiếng nước Mỹ, làm từ thiện hào phóng và có một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền. Cặp đôi này cũng có một đội ngũ quản gia, tài xế và đầu bếp riêng phục vụ trong gia đình.
Vậy số tiền mà họ cần là bao nhiêu để đủ cho một cuộc sống “vương giả” như vậy? Câu trả lời của Vanamee là 100 triệu USD.
Trong câu chuyện này Vanamee đã phỏng vấn 2 chuyên gia tài chính: Wendy Sarasohn là một nhà môi giới bất động sản tại Brown Harris Stevens, hiện đang sở hữu nhiều tài sản giá trị tại Manhattan và Richard Kirshenbaum – một biên tập viên tại New York Observer đồng thời là tác giả của cuốn sách “Isn’t That Rich? Life Among the 1%”.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về số tiền thực sự mang lại hạnh phúc.
“Trên thực tế, số tiền bạn kiếm được không quan trọng bằng cách bạn kiếm ra nó và làm gì với nó”.
Rachel Sherman – một giáo sư xã hội học đến từ New School đồng thời là tác giả của nghiên cứu “Uneasy Street: The Anxieties of Affluence” cũng đồng ý với quan điểm này. “Những gì mà nghiên cứu của tôi chỉ ra đó là chúng ta cần biết chính xác số tiền mình có và mức độ hạnh phúc mà nó đem lại. Bạn cần bao nhiêu tiền để mua những thứ mình muốn và cảm thấy đủ an toàn?”
Ở một vài khía cạnh nào đó, tiền bạc có thể giúp giảm đi nỗi lo sợ về tài chính và làm tăng mức độ hài lòng trong cuộc sống. Và không thể phủ nhận tiền bạc trở thành thước đo mức độ hạnh phúc. Khi có tiền, bạn có thể tự do làm những gì mình muốn mà không bị ràng buộc về thời gian hay trách nhiệm. Tuy vậy, mỗi người có một quy chuẩn hạnh phúc khác nhau. Và câu hỏi bạn cần đặt ra cuối mỗi ngày là: Liệu tiền bạc có giúp ích cho bạn nhiều không?
Đó cũng là cách mà “huyền thoại xứ Omaha” – tỷ phú Warren Buffett luôn duy trì cuộc sống của mình. Mặc dù sở hữu khối tài sản 87,4 tỷ USD (theo Forbes) và là người giàu thứ 3 thế giới, ông vẫn luôn sống giản dị và hài lòng với những gì mình có.
Tất nhiên, con số 100.000 USD cao gần gấp đôi so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở Mỹ, nhưng nó không đáng kể gì so với khối tài sản khổng lồ mà Buffett đang sở hữu.
“Về cơ bản, tôi có thể mua bất cứ thứ gì. Tôi có thể mua chiếc du thuyền rộng 400 foot. Tôi cũng có thể sống cuộc sống mà rất ít người có được, với 10 ngôi nhà và tất cả mọi thứ. Nhưng tôi chọn sống trong căn nhà nhỏ mua từ năm 1958. Và nếu có thể dành 100 triệu USD để mua một ngôi nhà mang lại hạnh phúc lớn hơn, tôi cũng sẽ làm. Nhưng với tôi, ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Omaha là nơi hạnh phúc nhất thế giới. Tôi có mọi kỷ niệm ở đó, gia đình và tất cả mọi thứ”, “huyền thoại đầu tư” chia sẻ.