Chuỗi khách sạn Hilton, “chết đi, sống lại“
(Tài chính) Từng trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng nhờ sự kiên nhẫn, chuỗi khách sạn Hilton Worlwide Holding đã vượt qua thách thức và gặt hái được nhiều thành công.
Vào mùa Xuân năm 2009, khi suy thoái kinh tế đang ở thời điểm đỉnh điểm, Christopher Nassetta đứng một mình giữa căn nhà trống rỗng, bừa bộn ở Arlington cố kìm mình khỏi sự thất vọng. Những gì ông hy vọng với Hilton Worlwide Holding (HLT), chuỗi khách sạn sang trọng và nổi tiếng thế giới đã biến thành cơn ác mộng. Ông vừa trở về từ bờ Đông sau khi đã đóng cửa trụ sở Beverly Hills Hilton, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu những khó khăn.
Mười tám tháng trước đó, mùa Thu năm 2007, Blackston Group (BX) đã mua Hilton với giá 26 tỷ USD, đúng vào thời kỳ đỉnh cao của bong bóng bất động sản.
Jonathan Gray, người đứng đầu công ty bất động sản toàn cầu Blackstone đã bàn bạc với các kiến trúc sư hàng đầu của Hilton và đi đến quyết định, sẽ đầu tư khoảng 5,6 tỷ USD với một bản kế hoạch đầy tham vọng là sẽ làm sống lại hình ảnh quyến rũ của hệ thống Hilton. Và Nassetta lúc đó đang là Giám đốc điều hành của Host Hotels & Resorts (HST) được mời đến để chèo lái Hilton Worlwide Holding.
Thực tế, Hilton đã có lần khởi đầu thứ hai khá hoàn hảo. Tuy nhiên, khi mọi việc đang như mơ, thì cuộc khủng hoảng tài chính ập đến. Gần như mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch dính đòn suy thoái, đẩy Hilton đi vào đường cụt.
Điều này khiến Blackstone và các đối tác phải trả cái giá quá cao, nhất là khi họ sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để tài trợ cho kế hoạch đầy tham vọng của mình. Một số đối tác như Bear Stearns và Lehman Brothers bị sụp đổ càng khiến Hilton điêu đứng.
Mặc dù có rất nhiều ý tưởng và nỗ lực được đưa ra nhằm vực dậy chuỗi khách sạn sang trọng này, nhưng mọi việc đều không thành. Không những thế, Hilton còn chịu một đòn đau nữa khi bị đối thủ Starwood Hotels & Resorts Worldwide (HOT) kiện ra Tòa án Liên bang Mỹ, cáo buộc nhân viên Hilton đánh cắp các kế hoạch cho thương hiệu khách sạn W. Bộ Tư pháp Mỹ vào cuộc điều tra Hilton với tội danh “hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật thương mại và cạnh tranh không lành mạnh”.
“Doanh thu giảm 20%, dòng tiền đã mất khoảng 30%. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được một ‘món quà lớn’ là thông tin Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra. Đây chắc chắn là thời kỳ đen tối của dự án này. Blackstone đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng và có khả năng mất đi phần lớn số tiền 5,6 tỷ USD tiền vốn”, Gray chia sẻ.
Trong khi đó, Nassetta nhớ lại: “Mặc dù có được sự cam kết từ Gray rằng đây là sự tồi tệ cuối cùng, nhưng tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng và không biết sự ảm đạm này đến bao giờ mới kết thúc”.
Bốn năm sau, những cam kết của Gray đã trở thành sự thật khi Blackstone thực hiện IPO chuỗi khách sạn Hilton và thu về hơn 2,34 tỷ USD trong tháng 12/2013. Vào tháng 7/2014, cổ phiếu của Hilton lên mức 24,8 USD/cổ phiếu, tăng 124% so với giá IPO.
Chìa khóa để đến với thành công này là nhờ chính sách lãi suất bằng 0% được Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng phải kể đến sự chèo lái tài tình của cặp đôi Gray - Nassetta, bởi cũng với chính sách lãi suất này, nhiều khách sạn, công ty du lịch khác vẫn bị phá sản. Trên thực tế, trong số 9 chuỗi khách sạn được mua bán và phát triển cùng khung thời gian với Hilton, chỉ có Hilton và La Quinta Inn & Suites (một dự án khách sạn khác của Blackstone) là không bị phá sản hoặc cơ cấu lại nợ.
“Thật ra, bí quyết của sự thành công này chính là sự kiên nhẫn! Kiễn nhẫn cơ cấu lại các khoản nợ. Kiên nhẫn thuyết phục chủ nợ kéo dài thời gian. Kiên nhẫn với những đòi hỏi thậm chí vô lý của khách hàng...”, Gray nhớ lại và cho biết: “Thật sự thì không có nhiều người, kể cả các cộng sự của tôi tin rằng, chúng tôi có thể vực lại được công ty. Lúc đó, chúng tôi có quá nhiều khoản nợ, tiền mặt gần như không còn, nhưng tôi tin tưởng vào dự án này. Chúng tôi kiên quyết làm tới cùng và sự quyết tâm của chúng tôi đã được đền đáp”.