Chương trình bình ổn giá đã đi vào chiều sâu

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Về tình hình thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá (BOG) tại địa phương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nhìn chung các địa phương đều yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình BOG phải cam kết bán hàng thuộc Chương trình BOG với giá thấp hơn thị trường từ 5-10 % hoặc 15% và thực hiện đăng ký giá với Sở Tài chính khi bắt đầu thực hiện Chương trình BOG.

Qua Chương trình Bình ổn giá, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hoá thiết yếu với giá thấp hơn thị trường ít nhất 5%-10%. Nguồn: internet
Qua Chương trình Bình ổn giá, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hoá thiết yếu với giá thấp hơn thị trường ít nhất 5%-10%. Nguồn: internet

Hướng tới không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước

Trong những năm qua, để góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường đối với một số loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thông qua biện pháp sử dụng nguồn ngân sách địa phương ứng vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các DN chiếm thị phần lớn trên địa bàn để kinh doanh, dự trữ hàng hoá thiết yếu với cam kết bán hàng hoá với giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường.

Trong đó, chính quyền địa phương tạm ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi với lãi suất 0% hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các DN được lựa chọn tham gia chương trình BOG.

Các DN phải đăng ký giá và cam kết bán hàng BOG với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10% hoặc thấp hơn nữa; khi điều chỉnh giá phải báo cáo cơ quan quản lý xem xét. Kết thúc thời gian bán hàng bình ổn, DN có trách nhiệm thu hồi vốn, hoàn trả lại Ngân sách địa phương.

Riêng TP. Hồ Chí Minh từ năm 2013 đến nay, chương trình BOG đã được triển khai với nội dung mới đi vào chiều sâu hơn. Thành phố không sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay cho DN với lãi suất 0%, thay vào đó là để các tổ chức tín dụng tham gia chương trình, Thành phố chỉ đứng ra kết nối các ngân hàng thương mại với DN nhằm hỗ trợ DN tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi.

Kết quả cho thấy, tổng kinh phí thực hiện chương trình BOG của các địa phương có triển khai Chương trình năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 là 1.706,7 tỷ đồng; năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là 1.095,5 tỷ đồng (không bao gồm TP. Hồ Chí Minh).

Trong đó: Hà Nội số vốn ngân sách địa phương ứng cho Chương trình BOG năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013: 376,0 tỷ đồng; năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là 318 tỷ đồng. TP.Hồ Chí Minh: số vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 là 288,559 tỷ đồng.

Riêng năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND TP. Hồ Chí Minh đứng ra kết nối DN với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia Chương trình giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. 5 ngân hàng thương mại cho DN tham gia chương trình bình ổn vay 1.961 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.

Tại các địa phương khác, kinh phí giành cho Chương trình BOG tại mỗi địa phương được trích từ những nguồn khác nhau, trong đó đa số địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An...), một số địa phương sử dụng nguồn Quỹ Đầu tư phát triển (Tiền Giang…) hoặc quỹ Dự trữ tài chính (Hà Nội, Trà Vinh, Cần Thơ…); một số địa phương khác chỉ hỗ trợ lãi suất vay vốn (Đà Nẵng, Nghệ An, Lâm Đồng).

Tại hầu hết các địa phương, chương trình BOG chủ yếu chỉ tập trung vào tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau). Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng thời gian ra 12 tháng trong năm.

Về giá bán hàng BOG, Cục Quản lý giá cho biết, nhìn chung các địa phương đều yêu cầu các DN tham gia Chương trình BOG phải cam kết bán hàng thuộc Chương trình BOG với giá thấp hơn thị trường từ 5- 10% hoặc 15% và thực hiện đăng ký giá với Sở Tài chính khi bắt đầu thực hiện Chương trình BOG.

Sở Tài chính các địa phương đã phối hợp với Sở Công Thương thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện Chương trình BOG như: kiểm tra giám sát đối với DN tham gia Chương trình BOG về tiến độ giải ngân, về lượng hàng dự trữ, cung ứng; nguồn gốc, xuất xứ, bao bì, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm; giá bán hàng bình ổn và khả năng thu hồi vốn.

Cần khuyến khích DN lớn tham gia

Theo Cục Quản lý giá, các địa phương cần tiếp tục chủ động tự đánh giá, rút kinh nghiệm về hiệu quả của Chương trình đã thực hiện trong thời gian qua, từ đó xem xét quyết định việc tiếp tục triển khai chương trình và biện pháp BOG trong năm 2014 và các năm tiếp theo, trong đó chú trọng các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,...

Để thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình BOG thị trường không sử dụng nguồn hỗ trợ ngân sách, huy động các ngân hàng thương mại cùng DN tham gia BOG, một số địa phương (Hà Nội) đã triển khai chủ trương này, tuy nhiên vẫn gặp vướng mắc đó là các ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa hợp tác do chưa có hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại địa phương chủ động và có biện pháp để tham gia Chương trình tại địa phương; Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện xã hội hóa (không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước) bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; có giải pháp tạo điều kiện cho các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, kích thích tiêu dùng nội địa, tiếp tục tuyên truyền người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả...

Về lâu dài, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu có cơ chế khuyến khích DN lớn, chủ lực tham gia dự trữ lưu thông đối với một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống để chủ động nguồn cung, can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường, giá cả.

Qua Chương trình BOG, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hoá thiết yếu với giá thấp hơn thị trường ít nhất 5%-10%, nhất là người lao động, người thu nhập thấp.

Đối với DN, mặc dù kinh phí của Nhà nước ứng cho DN rất ít, chỉ mang tính chất động viên; thậm chí có nhiều DN không nhận hỗ trợ vốn, nhưng khi tham gia Chương trình BOG đã giúp cho DN hướng tới người tiêu dùng, nâng cao uy tín, trách nhiệm và quảng bá thương hiệu của DN; từ đó, DN sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược kinh doanh hợp lý, bền vững.

Từ Chương trình đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa người sản xuất, nhà phân phối và các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay vốn thực hiện Chương trình.