Chuyện ghi ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9

Kim Quy (Báo Quảng Trị)

Đến với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, trong khói hương trầm mặc, mỗi người một ý nghĩ, nhưng có lẽ cái chung nhất vẫn là tâm nguyện thắp cho các anh hùng liệt sĩ một nén nhang thơm để tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân. Đến đây, chứng kiến công việc của những người quản trang mới hiểu hơn về họ - những người đang thầm lặng làm nhiệm vụ thiêng liêng là chăm sóc và bảo vệ sự bình yên cho giấc ngủ các anh hùng liệt sĩ

Chuyện ghi ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9
Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Lào tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Thanh Hoài, Trưởng ban quản lý nghĩa trang, người có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại đây, cho biết: “Hiện nay Ban quản lý Nghĩa trang Đường 9 gồm có 10 thành viên, hầu hết đều là những người lính đã từng cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược trên các chiến trường, đã từng nếm trải những khó khăn, gian khổ, những đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh, nên chúng tôi tình nguyện làm công việc canh giấc ngủ cho các anh hùng liệt sĩ. Thấu hiểu những gian truân, sự hy sinh của đồng đội nên tất cả anh em chúng tôi đều làm việc cần mẫn, không tính toán so đo, miễn sao làm được việc có ích cho các anh và gia đình thân nhân liệt sĩ...”

Hiện nay, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 có hơn 10.000 ngôi mộ, trong đó 3.500 ngôi có tên, có quê; 1.000 ngôi có tên và trên 6.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên. Các phần mộ liệt sĩ được bố trí thành từng khu vực, từng địa phương để tiện cho việc quản lý và viếng thăm. Những ngôi mộ được bố trí hài hòa, được quét dọn sạch sẽ, từng hàng cây tỏa bóng mát là công lao của những cán bộ, nhân viên quản trang. Và đến hôm nay, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 đã trở thành điểm gặp gỡ, tri ân của quân dân cả nước về thăm viếng, tưởng niệm. 

Qua câu chuyện với những người quản trang, chúng tôi được biết, gắn bó với nghĩa trang này, họ đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện xúc động. Có lần người mẹ già ở miền Bắc lặn lội cơm áo vào tìm mộ con, khi tìm được mộ con giữa hàng ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang, bà đã khóc trong đau đớn, đôi tay gầy run rẩy vuốt ve ngôi mộ và tấm bia như những ngày thơ ấu, từ dòng sữa ngọt ngào và tình yêu của mẹ, anh đã khôn lớn thành người và hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Có những người là cựu chiến binh đến thăm người đồng đội của mình, những người cùng đồng cam cộng khổ “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, giờ đây người còn, người mất, thế nhưng trong trái tim của những người đang sống vẫn luôn khắc khoải, nhớ thương... Cũng không ít thân nhân liệt sĩ, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng một năm cật lực làm ăn, thắt lưng buộc bụng, họ luôn dành dụm để rồi lại vào Quảng Trị, vào nơi thân nhân của mình đang yên nghỉ thắp một nén hương cho người đã khuất.

Anh Nguyễn Văn Hóa, Tổ phó tổ quản trang, xúc động nói: “Chứng kiến cảnh những thân nhân liệt sĩ lên thăm viếng, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của các thân nhân khi thắp nén nhang cho các anh linh liệt sĩ chúng tôi luôn tự hứa với lòng mình, những liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang này sẽ được chăm sóc tốt hơn nữa để gia đình thân nhân liệt sĩ được ấm lòng và các anh được yên nghỉ thanh thản”.

Từ năm 1995, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện là chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào đưa về nước, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 đã trở thành nơi đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ. 20 năm qua, Ban quản lý nghĩa trang đã tổ chức lễ đón nhận và an táng 1.596 hài cốt liệt sĩ do Đội 584 - Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị quy tập. 

Những người con hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào nay lại được về với quê hương, trong đó có rất nhiều ngôi mộ chưa rõ tên. Người Quảng Trị tuy nghèo nhưng tấm lòng thơm thảo, từng ngày, từng giờ bao tấm lòng tri ân vẫn thắp lên những ngọn nến lung linh, tràn ngập tình yêu thương, kính trọng đối với những con người “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tình cờ tôi gặp vợ chồng anh Đào Trọng Cường và chị Lê Thị Vui cùng con trai từ Hà Nội vào thăm viếng nghĩa trang. Vượt qua chặng đường dài, họ đến đây với một nguyện vọng duy nhất là được thắp nén hương tri ân các anh, những người con trung hiếu của đất nước. Đứng lặng trước hàng ngàn ngôi mộ trắng, ai nấy đều lặng đi trong niềm xúc động.

Chiến tranh qua đi hơn 30 năm nhưng những giọt nước mắt của thế hệ hôm nay vẫn rơi. Phải chăng đó là những giọt nước mắt của sự quyết tâm, của một lời hứa sống đẹp, ý nghĩa, sống sao cho xứng đáng với những ước mơ, hoài bão của bao anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn đời mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Qua nhiều lần tôn tạo, mở rộng nâng cấp, nay Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 đã ổn định về diện tích, kết cấu hạ tầng, cảnh quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ khi đến viếng. Từ trên tượng đài chiến thắng uy nghiêm, chúng tôi nhìn xuống các khu mộ nằm sau những hàng thông xanh rờn, với đài phun nước đang tỏa ra hàng vạn tia nước trong lành, bao trùm cỏ cây, vạn vật mà cảm thấy thật ấm lòng. 

Nơi đó, mồ hôi và tấm lòng của những người làm công tác quản trang đã hòa cùng với hơn 10.000 ngôi mộ. Nén hương của những người quản trang thắp trên mộ chí sẽ sưởi ấm lòng các anh, thể hiện lòng biết ơn sâu nặng đối với những người cha, người mẹ, người anh, người chị đã hy sinh cuộc đời để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Đất nước, quê hương không bao giờ quên công lao các anh hùng liệt sĩ, những con người đã ngã xuống vì tương lai của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc.