Chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI : Chờ bước bứt phá hiệu quả và thiết thực

Theo Đại biểu Nhân dân

Sau 25 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ từ FDI vào khu vực kinh tế trong nước đã đạt được một số kết quả, song chưa được như mục tiêu đề ra. Các chuyên gia cho rằng, để tăng cường chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI vào nền kinh tế, cần phải sửa các quy định liên quan, đẩy mạnh chính sách ưu đãi các dự án công nghệ cao đủ hấp dẫn, đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới.

Chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI : Chờ bước bứt phá hiệu quả và thiết thực
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những năm qua, các dự án FDI trở thành một trong những kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế. Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, cả nước có 605 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp (DN) FDI đã được phê duyệt, đăng ký, chiếm 63,6% tổng số các hợp đồng chuyển giao công nghệ của quốc gia. Nội dung các hợp đồng chuyển giao công nghệ thường tập trung vào việc chuyển giao quy trình công nghệ; bí quyết công nghệ; trợ giúp kỹ thuật; đào tạo; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp... So với con số hơn 14.000 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam trong 25 năm qua thì số hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện còn quá ít ỏi. 

Có thể thấy, tác động lan tỏa công nghệ của khu vực FDI được thực hiện thông qua mối liên kết sản xuất giữa DN FDI với DN trong nước, qua đó tạo điều kiện để DN trong nước tiếp cận hoạt động chuyển giao công nghệ. Thông qua mối quan hệ với DN FDI, DN trong nước ứng dụng công nghệ sản xuất tương tự để sản xuất sản phẩm, dịch vụ thay thế và sản phẩm, dịch vụ khác để tránh cạnh tranh. Đồng thời có tác động tạo ra các ngành sản xuất, dịch vụ khác trong nước để hỗ trợ cho hoạt động của các DN FDI, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhìn chung, một số ngành đã thực hiện tốt chuyển giao công nghệ là dầu khí, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy và dệt may, giày dép, trong đó viễn thông, dầu khí được đánh giá có hiệu quả nhất. 

Tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI mới được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, hiện có trên 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5- 6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu, cá biệt có trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu. Chuyển giao công nghệ chủ yếu thực hiện theo chiều ngang – giữa DN với DN, ít có những biến đổi về trình độ và năng lực công nghệ. Đành rằng, sẽ chẳng có tập đoàn, DN nào họ mang công nghệ số 1, công nghệ mới nhất sang nước khác đầu tư, tuy nhiên, đa số các dự án FDI ở Việt Nam chỉ có công nghệ trung bình cho thấy, các DN FDI chủ yếu tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, đầu tư cơ sở sản xuất dưới dạng dây chuyền lắp ráp, hoặc hoàn thiện sản phẩm. Hệ quả là DN Việt Nam tạo ra gia trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu. 

Cũng theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, thời gian qua có không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ. Mặt khác, thực tế có rất ít dự án FDI được đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Để có thể tăng tốc chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI vào nền kinh tế, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cần sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ cùng các văn bản pháp luật liên quan theo hướng bắt buộc đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Quy định này giúp cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát được nội dung công nghệ sẽ chuyển giao, tránh việc lập Hợp đồng chuyển giao công nghệ để hưởng ưu đãi và được tính chi phí chuyển giao công nghệ vào chi phí sản xuất hợp lý, nhưng nội dung lại không phải là chuyển giao các đối tượng công nghệ. Thông qua việc đăng ký Hợp đồng, có thể ngăn chặn việc chuyển giao các công nghệ không thích hợp, công nghệ hạn chế hoặc cấm chuyển giao. Đồng thời, cũng cần quy định bắt buộc phải có nội dung giải trình về công nghệ, thiết bị trong các hồ sơ dự án đầu tư, làm cơ sở để cơ quan thẩm định xem xét, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Có thể nói, việc chưa tạo được mối liên kết, liên thông giữa các DN FDI, DN trong nước, các hiệp hội DN và Chính phủ khiến cho quá trình lan tỏa công nghệ, bí quyết quản lý chưa thực sự hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thiết lập mối liên kết giữa các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới với DN trong nước để các DN Việt Nam được hưởng lợi nhờ vào hợp tác, phân công về công nghệ và thị trường với các tập đoàn này. Đồng thời, nên có cơ chế khuyến khích các tập đoàn lớn hợp tác với các cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề trình độ cao, các tổ chức nghiên cứu khoa học để cập nhật công nghệ, nâng cao trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực. Khi có được mối liên kết chặt chẽ vào trở thành một khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, quá trình chuyển giao công nghệ sẽ có được sự bứt phá hiệu quả và thiết thực hơn.