Chuyện về siêu cổ phiếu
(Tài chính) Chứng khoán luôn đem đến cho nhà đầu tư (NĐT) nhiều cảm xúc bất ngờ và khó đoán. Số đông các NĐT chọn lựa mua bán cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, mức độ thanh khoản cao. Có những nhóm đầu tư chuyển đi săn tìm cổ phiếu tưởng như đã bị thị trường lãng quên do làm ăn thua lỗ hoặc thanh khoản kém. Tuy nhiên, chỉ cần thị trường tăng trưởng đi lên, nhóm cổ phiếu này trở thành quý, hiếm mà ai cũng muốn nắm giữ, sở hữu...
Chỉ sau vài tháng tăng trưởng theo chiều hướng đi lên, NĐT đã săn lùng được nhiều cổ phiếu tăng trưởng mạnh để tạo thành những siêu cổ phiếu. Có những cổ phiếu tưởng bị lãng quyên từ lâu, nhưng khi được "hồi sinh" chúng đã tăng trưởng gần như không có điểm dừng. Còn một số cổ phiếu dù mới niêm yết, nhưng lại tạo ra mức độ khan hiếm cao độ giúp cho giá tăng mạnh đến chóng mặt.
Tăng 335% trong hơn 1 tháng
Trong những cổ phiếu tăng nóng phải kể đến SDI của Công ty CP Đầu tư đô thị Sài Đồng, trên sàn UpCom. Nhắc đến cổ phiếu trên sàn này, rất ít NĐT quan tâm đến sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng qua, cổ phiếu này đã tăng đến chóng mặt, bứt phá liên tục khiến nhiều NĐT ngỡ ngàng, thèm khát nắm giữ. Cổ phiếu này đã tăng từ vùng 23.000 đồng/cổ phiếu cho đến phiên hôm qua đã vượt mốc 100 với lợi suất +335%. Cả thị trường bắt đầu nhìn về SDI, nhưng hầu hết các NĐT không nắm giữ 1 cổ phiếu nào.
Thông tin cổ phiếu này tăng từ thời điểm chia thưởng khủng khiếp hơn 118% cổ tức cho 2 năm 2012 và 2013. Sáng ngày 14/8, Hanel hoàn tất chuyển nhượng 24 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn điều lệ của SDI cho Vingroup. Số cổ phiếu này được sang tay cho Vingroup chỉ tại mức giá 23.506 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng hơn 564 tỷ đồng và bắt đầu hành trình tăng từ đó.
SDI là 1 trong những công ty con quan trọng của Tập đoàn Vingroup (VIC) và chủ đầu tư trực tiếp của dự án Vinhomes Riverside, trước đây có tên gọi là Vincom Village. Sau giao dịch trên, Vingroup sở hữu 94% cổ phần của SDI.
Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của SDI đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tương đương 16% vốn hóa của Vingroup. SDI cũng vượt qua "người anh em" NHN - Công ty CP Phát triển đô thị Nam Hà Nội - để trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn Upcom.
Sắp tới, NHN sẽ tiến hành chia cổ tức 50% bằng tiền mặt. Như vậy, với 89,8 triệu cổ phiếu NHN đang có trong tay, SDI sẽ nhận về 449 tỷ đồng cổ tức. Kế hoạch đặt ra cho năm 2014 là 7.842 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 1.518 tỷ đồng. Công ty hiện chưa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2014.
Câu chuyện về những siêu cổ phiếu với những cuộc bứt tốc kỳ diệu không phải là hiếm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng SDI lại là một trường hợp đặc biệt. Nhiều siêu cổ phiếu chúng ta vẫn thường nhắc đến là: SHN, PVX, BMC, KSA, KSH… thường gắn liền với yếu tố đầu cơ hoặc sự sống lại của 1 công ty chết. SDI thì khác, đó là một cổ phiếu thực sự tốt, quy mô lớn và đứng sau là một tập đoàn lớn - Vingroup.
Với tư duy đầu tư điển hình, đa số NĐT khó chấp nhận một cổ phiếu "xấu" như SHN, PVX, BMC, KSA, KSH… dù rõ ràng những cổ phiếu đó mang lại lợi nhuận lớn cho NĐT. Đa số mọi người đều sợ rủi ro. Nhưng ngược lại, với 1 cổ phiếu "tốt" như SDI, lượng NĐT sợ rủi ro còn lớn hơn nhiều.
Chọn cổ phiếu tốt để đầu tư
Theo các chuyên gia chứng khoán trên hệ thống Stock Master thì luôn luôn lựa chọn những cổ phiếu dẫn đầu. Một khi cổ phiếu đầu đàn chạy thì không biết điểm dừng mà còn lan tỏa, kéo những cổ phiếu trong nhóm đi lên, thậm chí là cả thị trường cùng tăng. Cho nên, việc mua muộn 1 cổ phiếu dẫn đầu vẫn có lãi hơn là mua sớm 1 cổ phiếu hạng 2 ăn theo. Trong sóng vừa qua, PVC, PVS là những minh chứng điển hình.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, NĐT thường được học khái niệm "quá mua" và "quá bán" với lý thuyết bán 1 cổ phiếu khi "quá mua" và mua 1 cổ phiếu khi "quá bán".
Thực tế thì trong quá trình tăng giá liên tục của một siêu cổ phiếu, nó luôn nằm trong tình trạng "quá mua". Về bản chất, đó chính là sức mạnh của một cổ phiếu đó. Nhiều NĐT không hiểu bản chất lại thường làm điều ngược lại mà người ta vẫn thường gọi là "Bán bò tậu ễnh ương".
Lẽ dĩ nhiên, với một cổ phiếu tăng nóng, nếu mua không đúng điểm mua thì rủi ro đi kèm cũng rất lớn. Bởi có rất nhiều cổ phiếu tăng nóng đã đảo chiều một cách nhanh chóng tại vùng đỉnh khiến NĐT vào sau không thể nào thoát ra được đành phải chấp nhận lỗ vài chục phần trăm.
Các chuyên gia của hệ thống Stock Master khuyến nghị NĐT cố gắng mua đúng điểm mua và chỉ giải ngân từng phần đối với các điểm mua muộn, tránh rủi ro trong T+3.
Nếu cổ phiếu đi đúng tín hiệu, tiếp tục giải ngân cho đến khi đạt được lượng giải ngân mục tiêu. Trong đó có nhiều phương pháp xác định giá mục tiêu khác nhau và đem đến độ chính xác nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng mức giá mục tiêu nhất định chưa chắc đã hiệu quả. Một số cổ phiếu vượt giá mục tiêu, số khác thì chưa đạt đến mục tiêu đã bị gẫy khiến nhiều NĐT khó xử "tiến không được, thoái chẳng xong".
Một số cổ phiếu ấy lại rất khó để định giá như đang xuất hiện trên thị trường là: MWG, TSC… Cho nên, ngoài việc xác định giá mục tiêu của cổ phiếu bằng phân tích cơ bản cũng cần kết hợp cả phương pháp mua và tín hiệu điểm mua/điểm bán bằng phân tích kỹ thuật.
Cho đến thời điểm hiện tại, SDI vẫn chưa cho tín hiệu điểm bán và nhiều NĐT vẫn khao khát nắm giữ cho dù nó đã tăng 335%. Chưa thể đoán biết trước được cổ phiếu này khi nào sẽ dừng đà tăng, nhưng nhiều NĐT cũng đã bắt đầu chốt lời trong hạnh phúc.