Có cần triển khai gói kích cầu tiêu dùng?

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3/2014 âm (-) 0,44% so với tháng 2.

Có cần triển khai gói kích cầu tiêu dùng?
CPI cả nước tháng 3/2014 âm (-) 0,44% so với tháng 2. Nguồn: internet
Như vậy, CPI quý I/2014 đã giảm kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm gần đây đã khiến nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, tiêu dùng của người dân đã được điều chỉnh một cách hợp lý. Song, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ những lo lắng về việc sức mua quá yếu sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp (DN).

Hàng hóa giảm giá, sức mua vẫn yếu

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,27%. Đây là tín hiệu lạc quan giúp CPI giữ được mức ổn định trong năm nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các DN giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng. Mặt khác, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm cũng sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm, CPI tháng 3 giảm khá mạnh là do nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết Nguyên đán đã giảm và giá các mặt hàng đều trở về mặt bằng trước Tết. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn nên người dân cũng cân nhắc hơn trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Trên thực tế, ngay sau mấy ngày Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa tại các chợ và siêu thị rất dồi dào. Nhiều siêu thị đồng loạt triển khai những chương trình giảm giá với mức ưu đãi khá cao nhằm thu hút khách hàng và giải phóng lượng hàng hóa tích trữ phục vụ Tết.

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, những mặt hàng có ảnh hưởng quan trọng trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm hàng hóa dịch vụ ăn uống, trong đó có lương thực và thực phẩm giảm khá mạnh. Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng dù không giảm, nhưng do giá gas giảm mạnh nên kéo chỉ số này xuống. CPI giảm khiến nhiều người nghĩ đến sức "cầu" yếu, nhưng trên thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ vẫn tăng khoảng 5,1% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá.

Kích cầu tiêu dùng: Làm thực chất, tránh hô hào

Bên cạnh góc nhìn lạc quan về việc CPI quý I giảm, các chuyên gia lại cảnh báo, suy giảm kinh tế dự kiến sẽ còn kéo dài trong năm nay sẽ khiến mức tăng thu nhập của người dân không thể cao như kỳ vọng. Thực tế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng của người dân và khiến nhu cầu chi tiêu ngày càng tính toán, tiết kiệm hơn.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, giá cả tăng thấp trong thời gian qua cho thấy sức mua của dân quá thấp. Điều này sẽ tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Bởi, bên cạnh những DN không thể vay được vốn do nợ xấu cao, còn có những đơn vị mặc dù có khả năng vay vẫn không muốn vay, vì không có nhu cầu mở rộng sản xuất, số lượng hàng tồn kho vẫn nhiều.

Trước thực tế này, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần triển khai gói kích cầu tiêu dùng nhằm giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bởi trên thực tế, gói kích cầu trị giá 30.000 tỷ đồng đã, đang khiến thị trường bất động sản, chứng khoán vốn rơi vào tình trạng trì trệ, "đóng băng" dài hạn nhiều năm qua có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc triển khai gói kích cầu tiêu dùng cần được tính toán kỹ lưỡng. Việc đổ tiền nhằm kích cầu tiêu dùng hay đầu tư cho khu vực sản xuất cần phải được xem xét một cách cẩn trọng, không thể làm theo kiểu hô hào, sẽ không đem lại hiệu quả thật trên thực tế.

Để khơi thông sức mua, tháo gỡ nút thắt thị trường hiện nay thì yếu tố quan trọng nhất là mỗi DN phải nỗ lực đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ giúp hàng hóa giảm giá xuống mức hợp lý, nhưng chất lượng lại tăng lên. Đây là hai yếu tố cơ bản khiến khách hàng mở hầu bao mua sắm.
 
Theo số liệu thống kê mới nhất, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2014 đã tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tính đến hết năm 2013, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng lên đến 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm 2012.