Có hạ lãi suất được nữa không?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Từ 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động lộ trình hạ lãi suất ngân hàng và đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Thế nhưng câu hỏi Có thể hạ lãi suất được nữa không? vẫn đang là nỗi niềm trăn trở không chỉ với cơ quan quản lý nhà nước, mà với cả nền kinh tế. Thêm vào đó, làm gì để có thể hạ lãi suất tiếp cũng là câu hỏi không chỉ của ngành ngân hàng.

Có hạ lãi suất được nữa không?
Cuộc bàn luận về lộ trình hạ lãi suất tín dụng- chắc sẽ còn dài. Nguồn: internet

Cách đây vài năm, có lẽ doanh nghiệp nước ta cũng không thể nghĩ rằng, có lúc lãi suất ngân hàng lại hạ xuống 5 đến 10%/năm như hiện nay. Ngày  đó, không ít doanh nghiệp phải cực chẳng đã nhắm mắt đưa chân để ký vào những hợp đồng tín dụng với lãi suất 20 thậm chí 24%, 26 %/năm. Lúc đó các doanh nghiệp này lâm vào cảnh: không có tiền thì sẽ chết ngay, còn vay dù với lãi suất cao thì ít nhất cũng 3 năm nữa mới… chết. Thế nhưng, rõ ràng, không thể sống chỉ bằng niềm tin, và cũng chẳng thể cứu mình bằng duy ý chí. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ đã sụp đổ, phá sản theo cách rất giống nhau. Đó là cạn khô dòng tiền, hàng thì không bán được, tiền nằm chết trong kho, ngân hàng không cho vay nữa vì nợ cũ chưa trả trong khi chi phí vẫn phát sinh hàng ngày.

Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, ngành ngân hàng đã tìm nhiều giải pháp hạ lãi suất, hạ từ mức cao 26%/năm xuống còn mức thông thường là 13%/năm. Những danh mục ưu tiên được hạ xuống 5%, thậm chí có những doanh nghiệp được ưu đãi với lãi suất 4,5%/năm. Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa vui. Lời ca thán vẫn vang lên đây đó. Giới chuyên gia kinh tế vẫn kiên trì bàn cãi xung quanh việc có thể tiếp tục hạ lãi suất được nữa hay không.

Hãy xem xét bối cảnh của những bàn cãi này, và tính mục đích của yêu cầu phải tiếp tục hạ lãi suất. Thứ nhất, mức lãi suất phổ biến hiện nay mà doanh nghiệp sản xuất được vay là 7 đến 10% vẫn là quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới - các nước xung quanh ta chỉ từ 2 đến 3,5 %. Vì thế, nếu tiếp tục giữ lãi suất như hiện nay thì triệt tiêu khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt. Thứ hai, năm nay mức lạm phát rất thấp, từ nay đến cuối năm cũng chỉ loanh quanh mốc 3%, đây là cơ hội vàng để tiếp tục hạ lãi suất huy động và từ đó hạ lãi suất cho vay. Thứ ba, thanh khoản các ngân hàng thương mại mấy năm nay đã ổn định tương đối, không còn mối lo mất thanh khoản...

Những phân tích này của giới chuyên gia là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cần đặt vấn đề này trong bối cảnh của hoạt động ngân hàng nước ta để tìm lời giải xem có hạ được lãi nhất nữa không, hạ vào thời điểm nào, hạ đến đâu và làm gì để hạ nữa… Thứ nhất, yếu tố lạm phát thấp hiện nay tuy là kết quả của hàng loạt nỗ lực điều hành vĩ mô, nhưng cũng là một chỉ tiêu bấp bênh. Chúng ta chưa dám chắc có thể duy trì lạm phát thấp trong bao lâu. Vì thế, nếu hạ lãi suất huy động bằng hoặc thấp hơn mức lạm phát thì không kích thích được người gửi tiền, các thị trường vốn khác sẽ diễn biến phức tạp, nhất là khi chưa cầm cương thật vững những cơ chế biến động của các thị trường đó.

Thứ hai, muốn giảm lãi suất, các ngân hàng phải giảm chi phí thật mạnh. Nhưng hiện nay 5 ngân hàng thương mại có nguồn vốn lớn nhất và có cổ phần chi phối của Nhà nước vẫn đang cồng kềnh về bộ máy, không dễ giảm chi phí. Trong khi đó, các ngân hàng này lại đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường tín dụng, các ngân hàng nhỏ phải lựa các ngân hàng lớn mà làm theo. Như vậy, nếu các ngân hàng lớn không có cuộc cách mạng về nhân sự, về quản trị, về đổi mới công nghệ, thì việc giảm chi phí - cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay - là bất khả thi.

Vì những lẽ đó, cuộc bàn luận về lộ trình hạ lãi suất tín dụng- chắc sẽ còn dài.