Cơ hội để ngành Thủy sản khẳng định chất lượng sản phẩm và vị thế trên thị trường quốc tế

Hân Nguyễn

Từ ngày 24/9 đến ngày 17/10/2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành thanh tra thực địa ngành Thủy sản Việt Nam về tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng hóa chất và kháng sinh trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU. Sự kiện này được đánh giá là cơ hội để ngành Thủy sản chứng minh chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD.

Theo thông tin công bố, Đoàn kiểm tra của EU sẽ thực hiện việc đánh giá theo hình thức “hybrid”, nghĩa là kết hợp giữa đánh giá từ xa và kiểm tra thực địa. Đây là một nội dung trong kế hoạch kiểm tra và phân tích an toàn thực phẩm của EU giai đoạn 2021 - 2025.

EU sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu, bao gồm cả các sản phẩm mật ong. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu mà còn để đánh giá xem liệu Việt Nam có duy trì và cải thiện được các tiêu chuẩn cần thiết hay không.

Việc kiểm tra tại Việt Nam lần này rất quan trọng để đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia ngoài EU, như Việt Nam, tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu​.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra toàn cầu. Đối với xuất khẩu tôm, Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chiếm từ 13% đến 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.

Hoa Kỳ và EU là những thị trường khó tính với những yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm cũng như tính bền vững. Trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD, đây là những thị trường giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.

Theo đại diện Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khó tính, và việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.

Để duy trì vị thế của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, công tác chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra nhằm chứng minh tính tương đương trong hệ thống quản lý của cơ quan thẩm quyền và năng lực thực thi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cần được chú trọng.

Nhận định về việc đoàn thanh tra EU sẽ đến làm việc tới đây, đại diện  Cục Thủy sản cho biết, nếu kết quả của đoàn thanh tra không đạt như mong muốn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác.

Vì thế, các địa phương cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu, quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại công đoạn nuôi và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, phải làm tốt công việc, toàn bộ chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn tạm thời chia ra là có công đoạn nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Trong công đoạn nuôi kiểm soát con giống, nguồn nước, tác nhân gây ô nhiễm và thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tồn dư trong nuôi trồng thủy sản không chỉ gây hệ lụy rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người sử dụng và mất uy tín của sản phẩm thủy sản trên thương trường.

 

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên theo nhiều dự báo, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như giá vật tư đầu vào cao, giá bán thủy sản nguyên liệu thấp, thậm chí có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, cước vận tải tàu biển tăng khiến lợi nhuận của toàn chuỗi từ nuôi đến chế biến...