Cơ hội mới cho hàng xuất khẩu khi CPTPP có hiệu lực

Theo Lệ Hằng/tapchithue.vn

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực vào tháng 12/2018. Khi CPTPP có hiệu lực, sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%. Các chuyên gia đánh giá, ngành dệt may và giầy da túi xách được hưởng nhiều ưu đãi thuế nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may và giày da túi xách TP. Hồ Chí Minh, nơi chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của cả nước về lĩnh vực này. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, giày da túi xách ở TP. Hồ Chí Minh đang tập trung hoàn thành những đơn hàng cuối năm, đồng thời chuẩn bị các điều kiện  để tận dụng tốt cơ hội của CPTPP. Trong đó, Canada, Peru, Mexico là 3 thị trường mà các doanh nghiệp đánh giá có nhiều tiềm năng. 

Đây là những thị trường lớn mà trước đây Việt Nam chưa có hiệp định thương mại song phương, nên khi CPTPP có hiệu lực, hàng dệt may và giày, túi xách sẽ có thuế suất 0%. Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cũng chuẩn bị các điều kiện quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi. Sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nguyên liệu của Australia và một số nước khác trong khối tham gia hiệp định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt, nhuộm vải cũng đang tăng tốc đầu tư để tăng nguồn nguyên liệu trong nước. Ông Trần Hữu Phước, Giám đốc tài chính Công ty dệt Trần Hiệp Thành cho biết, ngoài nhà máy nhuộm, công ty đang đầu tư nhà máy dệt  trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng để mỗi năm sản xuất 77 triệu m2 vải, chuẩn bị đón CP-TPP.

Nguồn nguyên liệu cho ngành may trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%, số còn lại phải nhập khẩu, trong đó phần lớn từ các nước và vùng lãnh thổ không thuộc khối CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Để  đáp ứng về yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên liệu trong nước, ngoài nỗ  lực từ phía doanh nghiệp là chưa đủ, cần có cơ chế chính sách đồng bộ tạo điều kiện cho ngành dệt, nhuộm trong nước phát triển. 

Còn ngành giày da, túi xách, nguồn nguyên liệu đáp ứng khá tốt về yêu cầu xuất xứ và phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nên có khả năng đáp ứng tốt tiêu chuẩn của CPTPP. Tuy nhiên, trong tiếp cận thị trường mới, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ xúc tiến thương mại do mỗi thị trường có yêu cầu về thẩm mỹ và xu hướng tiêu dùng khác nhau. 

Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP không chỉ yêu cầu cao về chất lượng, xuất xứ nguyên liệu mà còn đòi hỏi cả về điều kiện lao động, môi trường làm việc. Ông Phạm Đình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh  lưu ý, CPTPP quy định cả vấn đề chống tham nhũng, minh bạch, cạnh tranh trong hoạt động của doanh nghiệp. Các điều kiện về bảo vệ môi trường; các điều khoản cải thiện điều kiện làm của lao động, công đoàn. Do đó, phải thực thi đầy đủ công ước ILO mà chúng ta đã tham gia.

CPTPP là hiệp định toàn diện có nhiều nội dung với những quy định chi tiết và chuyên sâu từng lĩnh vực. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nắm chắc nội dung, đáp ứng tốt những quy định, tiêu chuẩn để được hưởng thuế suất ưu đãi. Việt Nam có xuất phát thấp so với các nước khác trong khối CPTPP, nhưng khi, tham gia với những thành viên có thị trường lớn và tiến bộ, thì đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải thay đổi cách  theo hướng chuyên nghiệp, có chiến lược đầu tư dài hạn, thì mới tiếp cận và tận dụng cơ hội này. Nếu không, thì doanh nghiệp của các nước khác sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, bởi trong cơ hội bao giờ cũng  kèm theo thách thức.