Cơ hội và thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam khi thực thi các FTA thế hệ mới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2019

Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và khu vực có tầm quan trọng lớn. Nổi bật trong số đó là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cam kết trong các FTA thế hệ mới gắn với việc dỡ bỏ hàng rào mậu dịch (thuế quan và phi thuế quan) đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài và các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam; tạo sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội địa, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ - lĩnh vực có tầm quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bài viết phân tích cơ hội và thách thức đối với thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới, qua đó nhận diện rõ hơn những tác động hai chiều của các FTA này đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ hội và thách thức  đối với thị trường bán lẻ Việt Nam

Cơ hội

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt với việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTA thế hệ mới, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước khá nhiều cơ hội, cụ thể:

- Tăng cường và cải thiện nguồn hàng của các nhà bán lẻ: Tác động tích cực dễ nhận thấy đó là nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm mức thuế nhập khẩu xuống mức 0% ngay khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực thi hành; một số mặt hàng khác tuy không giảm thuế ngay, nhưng thời hạn của lộ trình giảm thuế về mức 0% ngắn hơn so với các FTA truyền thống. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) bán lẻ giảm chi phí đầu vào, mà còn có cơ hội cân bằng và tiếp cận các thị trường cung ứng nguồn hàng thay thế. Sự cân bằng lại nguồn hàng cung ứng sẽ giúp các nhà bán lẻ giảm thiểu tỷ lệ rủi ro, tập trung vào những nhà cung ứng nhất định có nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

- Sàng lọc và xây dựng hệ thống DN bán lẻ có sức cạnh tranh: Các FTA thế hệ mới, như: CPTPP sẽ chấm dứt việc trợ cấp, phân biệt đối xử, vay vốn ưu đãi, quyền tiếp cận đặc biệt đối với mua sắm công và bảo hộ mậu dịch mà các DN nhà nước được hưởng lâu nay, điều này buộc các DN nhà nước phải không ngừng cải thiện và hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Sách trắng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xuất bản năm 2017, hoạt động bán lẻ có tài sản cố định và đầu tư ở mức thập khoảng 3,5-4 tỷ/DN. Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, 85% doanh nghiệp bán lẻ có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (năm 2017). Có thể thấy, đại đa số các doanh nghiệp phân phối bán lẻ đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết.

- Tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực bán lẻ: Các FTA thế hệ mới đưa ra các cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh, hoặc các hình thức liên quan đến chuyển nhượng dự án khác trong lãnh thổ. Các FTA thế hệ mới còn thúc đẩy việc thu hút luồng vốn đầu tư chất lượng cao vào lĩnh vực bán lẻ. Đối với EVFTA, tính đến năm 2019, các nước châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam gần 50 tỷ USD với tổng số 3.300 dự án. Đối với CPTPP, Nhật Bản là một đối tác quan trọng, đứng đầu về vốn FDI tại Việt Nam. Theo dự báo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, thời gian tới dòng vốn đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tập trung vào các dự án sản xuất, bán lẻ và dịch vụ. Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang và sẽ tiếp tục thu hút FDI từ các nước đối tác quan trọng mà Việt Nam đã ký kết.

- Cơ hội cho người tiêu dùng được bảo vệ và được quyền lựa chọn hàng hóa tốt hơn: Tham gia các FTA thế hệ mới, đồng nghĩa với việc dỡ bỏ mạnh mẽ hơn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, cũng như mở cửa rộng hơn cho dòng vốn đầu tư từ các nước thành viên FTA vào Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với sự hiện diện của các tập đoàn bán lẻ, hàng hóa của các quốc gia đối tác mang tính cạnh tranh cao (giá cả, chủng loại, mẫu mã) và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng (như hàng hóa của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Peru, NewZealand, Nga). Người tiêu dùng trong nước sẽ có thêm sự lựa chọn và được phục vụ tốt hơn cả về mặt chất lượng, giá cả và các dịch vụ đi kèm (giới thiệu, tư vấn sản phẩm, bảo hành). Đặc biệt, người tiêu dùng có cơ hội hưởng lợi từ việc tiêu dùng những hàng hóa nhập khẩu có giá thành thấp hơn (một số quốc gia thành viên FTA như Mexico, Peru là nguồn cung cấp những mặt hàng có giá thành thấp và hợp lý).

Thách thức

Cùng với các cơ hội, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành Bán lẻ Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều rủi ro và thách thức lớn, cụ thể  như:

- Rủi ro từ việc dỡ bỏ quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT): Một trong những tác động và rủi ro trực tiếp đối với thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay là cam kết dỡ bỏ quy địnnh ENT đối với các DN bán lẻ đến từ các nước tham gia FTA thế hệ mới. ENT được coi như một công cụ để hạn chế nhà đầu tư nước ngoài thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam, tuy nhiên, khi quy định này được dỡ bỏ, sự xâm nhập và mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng và khi đó các nhà bán lẻ nước ngoài có thể mở rộng các cơ sở bán lẻ ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam mà không cần phải qua kiểm tra ENT.

- Gia tăng sức ép cạnh tranh đối với nhà bán lẻ nội địa: Khi các hiệp định FTA thế hệ mới có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực thi các cam kết chung và điều này tác động trực tiếp, tạo sức ép cạnh tranh lớn lên các nhà bán lẻ nội, bao gồm cả bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống. Sức ép cạnh tranh gia tăng từ các nhà bán lẻ của các quốc gia đối tác FTA thế hệ mới ngày càng nổi lên như một thách thức hàng đầu, khi liên hệ với thực trạng năng lực cạnh tranh hạn chế của các nhà bán lẻ Việt Nam (quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hoạt động manh mún, thiếu tính ổn định và chuyên nghiệp). Áp lực cạnh tranh quá lớn kéo theo những hệ quả trái chiều, ảnh hưởng đến phát triển hài hòa, tạo ra những hiệu ứng độc quyền cũng như phụ thuộc của cả thị trường vào một số ít các DN nước ngoài. Thực tế cho thấy, các điểm bán lẻ của các DN nước ngoài tuy ít hơn rất nhiều so với các DN Việt Nam, song doanh số bán ra tại một điểm của các DN này gấp 3-4 lần, thậm chí 7-8 lần so với một điểm của các DN nội.

- Hàng hóa nội địa bị lấn át bởi hàng hóa nhập khẩu: Hiện nay, trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang tồn tại một số mặt hàng của các nước thành viên các FTA thế hệ mới tuy không cạnh tranh trực tiếp với hàng nội, nhưng mang tính thay thế và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, cụ thể như các sản phẩm sữa, thịt bò, thịt lợn của các quốc gia như Úc, NewZealand. Thời gian gần đây các mặt hàng nông sản của Hàn Quốc cũng đang có xu hướng gia tăng trên thị trường, cạnh tranh với hàng nông sản. Thống kê trong quý I/2017, kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam từ Hàn Quốc tăng 80% so với cùng kỳ năm 2016.

- Tiêu cực trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của các DN nước ngoài: Các FTA thế hệ mới kéo theo gia tăng các dòng đầu tư và sự gia nhập thị trường của các nhà bán lẻ nước ngoài từ các quốc gia thành viên. Điều này đồng nghĩa với gia tăng rủi ro gắn với những tiêu cực trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài (trốn thuế, chuyển giá, kinh doanh trái phép hàng hóa, hành vi cạnh tranh không lành mạnh). Thực tiễn cho thấy, trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã có hành vi lách luật và làm trái pháp luật. Metro là một điển hình với hành vi chuyển giá, trốn thuế và kinh doanh không đúng theo như loại hình đã đăng ký kinh doanh và Big C đã từng dính nghi vấn “né” quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT, cũng như trốn thuế chuyển nhượng.

Tóm lại, để có thể ứng phó hiệu quả những khó khăn, thách thức, một mặt, các nhà bán lẻ Việt Nam cần có hành động cụ thể để cải thiện cơ bản năng lực cạnh tranh của mình; mặt khác, cần có các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm giúp ngành này khắc phục những tồn tại mang tính hệ thống mà từng DN không thể giải quyết được hoặc khó có thể giải quyết hiệu quả.

Vấn đề đặt ra với thị trường bán lẻ Việt Nam khi thực thi các cam kết FTA thế hệ mới

Trước bối cảnh mới, thị trường bán lẻ Việt Nam cần chủ trọng triển khai vấn đề sau để tận dụng được các cơ hội, vượt qua những thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, xét về tiềm lực tài chính, vốn luôn là yếu tố quan trọng đối với DN nói chung và DN phân phối bán lẻ nói riêng. Theo Sách trắng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam do Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xuất bản năm 2017, hoạt động bán lẻ có tài sản cố định và đầu tư ở mức thập khoảng 3,5-4 tỷ/DN. Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, 85% doanh nghiệp bán lẻ có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (2017). Có thể thấy đại đa số các DN phân phối bán lẻ đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các DN.

Thực tế cũng cho thấy, việc tiếp cận vốn của các DN bán lẻ Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong khi huy động vốn trong dân vào kinh doan chưa được cải thiện. Do vậy, giải quyết được vấn đề tiếp cận nguồn vốn và nâng cao trách nhiệm giải trình với vốn huy động của DN là cần thiết để DN bán lẻ kinh doanh hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao trình độ lao động, trang thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ. Lao động Việt Nam nói chung và lao động trong các DN phân phối bán lẻ nói riêng hiện nay chủ yếu là lao động thủ công, tác phong lao động công nghiệp kém, văn minh thương mại và văn hóa kinh doanh thấp. Chỉ có 4 -5 % nhân lực trong các DN phân phối bán lẻ được đào tạo chuyên ngành. Trong khi đó, lao động trong các tập đoàn phân phối nước ngoài được đào tạo cơ bản có trình độ cao. Điều này cho thấy rõ sự chênh lệch về trình độ lao động của các DN phân phối bán lẻ Việt Nam với các tập đoàn phân phối nước ngoài.

Thực tế, nguồn nhân lực trong các DN bản lẻ vừa và nhỏ của Việt Nam, phần lớn có nhược điểm: Thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức về thị trường hiện đại, thiếu khả năng sử dụng ngoại ngữ, thiếu tính cộng đồng, chậm thay đổi tư duy với môi trường. Kinh nghiệm nhiều DN bán lẻ vừa và nhỏ còn hạn chế, do đó chưa chú trọng tới việc đào tạo nhân lực, không có chiến lược nhân lực dài hạn. Lương công nhân không tăng theo kịp tốc độ tăng giá, nhiều DN chỉ trả lương là hết nghĩa vụ, mà không quan tâm đến các nhu cầu khác của người lao động, vì vậy công nhân chưa thực sự gắn bó với DN. Tình hình trên dẫn đến hiện tượng một số lao động di chuyển từ các DN nhà nước sang các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc DN tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc có môi trường làm việc tốt hơn.

Bên cạnh đó, trình độ trang thiết bị công nghệ của các DN phân phối bán lẻ Việt Nam nhìn chung còn lạc hậu so với các DN nước ngoài. Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định, làm cho DN khó khăn trong lựa chọn mặt hàng kinh doanh, hạn chế khả năng cạnh tranh bằng giá.

Thứ ba, trình độ quản lý và tổ chức kinh doanh của các DN phân phối bán lẻ trong nước với các tập đoàn phân phối nước ngoài cũng còn một khoảng cách không nhỏ. Các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài có lợi thế hơn hẳn về kinh nghiệm kinh doanh cũng như trình độ quản lý ở mức cao của thế giới. Điều này thể hiện khá rõ ở kết quả triển khai các hoạt động kinh doanh của các tập đoàn phân phối nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua.    

Tài liệu tham khảo:

1. Ngô Tuấn Anh (2017), Các doanh nghiệp nội địa ngành Bán lẻ Việt Nam với những thách thức mới trước bối cảnh hội nhập, Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017;

2. Đỗ Thiên Anh Tuấn (2014), Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam,
Chương trình giảng dạy Fulbright;

3. An ninh thủ đô (2019), Chìa khóa mở cánh cửa giao thương Việt Nam -
 Liên minh châu Âu;

4. Báo Đầu tư (2018), Vốn từ Nhật Bản sẽ rót vào sản xuât, bán lẻ dịch vụ,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

5. VnMoney (2016), Thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam: Tại sao luôn là người Thái;

6. Báo đầu tư (2016), Vụ chuyển nhượng Big C Nam Định: Có dấu hiệu trốn thuế;

7. Tuổi trẻ (2016), Chuyển nhượng Big C cả tỷ đô chưa nộp thuế 3600 tỷ đồng.