Cơ hội vàng cho xuất khẩu da giày
(Tài chính) Các chuyên gia nhận định ngành da giày Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, ngành da giày đang đứng trước cơ hội chưa từng có để đẩy mạnh tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng với rất nhiều cơ chế chính sách đều đang tạo điều kiện cho DN da giày nâng lực năng lực sản xuất kinh doanh thông qua việc hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Cùng với đó, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng đã và đang được đàm phán cũng đang mang đến cho ngành da giày cơ hội lớn để mở rộng thị trường XK.
Nhận định về cơ hội của ngành da giày, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cũng cho rằng, ngành công nghiệp da giày luôn nằm trong top nhóm hàng XK dẫn đầu (chỉ sau dệt may), trong tương lai ngành này sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa nhờ tác động tích cực từ các FTA với các thị trường lớn như: TPP, Việt Nam - EU, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kaszacstan và các Hiệp định của khối ASEAN....
Chỉ riêng với Hiệp định TPP, ông Matt Priest, Chủ tịch FDRA cho biết, hiện trung bình mỗi năm Mỹ NK khoảng 364 triệu USD giày dép từ các nước TPP trong đó chủ yếu là từ Việt Nam, do vậy trong quá trình đàm phán về ngành da giày Mỹ luôn đặc biệt quan tâm đến Việt Nam.
Theo ông Matt Priest, hiện quá trình đàm phán Hiệp định TPP còn khá phức tạp tuy nhiên phía Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình đàm phán vì Hiệp định này quan trọng cả với Mỹ và Việt Nam. “Khi hiệp định này được kí kết không chỉ giảm thuế cho các nhà XK mà cả người tiêu dùng và các DN phân phối cũng tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Riêng với Việt Nam, ngay khi TPP được kí kết hầu hết các sản phẩm da giày NK vào Mỹ sẽ được miễn thuế NK. Tuy nhiên sẽ có khoảng từ 17 đến 19 dòng sản phẩm nhạy cảm sẽ được giảm thuế theo lộ trình”, ông Matt Priest cho biết.
Với hàng loạt FTA được đàm phán và kí kết trong thời gian ngắn cùng với làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam cho rằng, đây sẽ là một cú hích để các DN Việt Nam tăng tốc phát triển, đồng thời sự dịch chuyển của nguồn lao động chất lượng cao cũng sẽ tạo điều kiện cho ngành da giày nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như công tác đào tạo vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nhận định của một số DN nước ngoài, cùng với cơ hội lớn từ các FTA, tình hình chính trị ổn định và nguồn lao động dồi dào đang tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và đơn hàng cho ngành da giày. Ông Oliver Ng, đại diện Tập đoàn Ever Rite Group (Mỹ) cho biết, trước đây tập đoàn này có nhiều nhà máy trên khắp châu Á, tuy nhiên từ tháng 9-2013, Ever Rite Group chỉ tập trung sản xuất tại một quốc gia là Việt Nam vì Việt Nam có nền chính trị ổn định, dân số trẻ, tỷ giá ít biến động và đặc biệt là chi phí lao động rẻ hơn so với nhiều nước châu Á khác.
Không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư, theo nhận định của các chuyên gia, kim ngạch XK của ngành da giày tăng trưởng mạnh trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo thống kê của Tập đoàn Wolverine Worldwide Mỹ, nếu như năm 2007 thị phần NK các sản phẩm da giày từ Trung Quốc vào Mỹ thông qua Tập đoàn này chiếm 87%, còn Việt Nam chỉ chiếm 10% thì đến nay thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống còn 75% và của Việt Nam là 14,5%.
Ông Scott Thomas, đại diện Wolverine Worldwide cho biết, kế hoạch NK của Wolverine Worldwide đến năm 2020 là sẽ tập trung vào Việt Nam thay vì Trung Quốc như hiện nay do chi phí từ nguồn cung ứng của Trung Quốc đang tăng cao và Việt Nam sẽ là nguồn cung thay thế.