Có nên cấm cho thuê căn hộ?
Theo Bộ Xây dựng, việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Thế nhưng trên thực tế, việc cho thuê theo giờ, theo ngày, theo tháng các căn hộ chung cư đã và vẫn đang nở rộ khắp nơi. Vậy việc này thực chất có vi phạm pháp luật?
Xu hướng của du lịch toàn cầu
Cụ thể, theo Luật Nhà ở 2014 nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Chị An Phương, một người cho thuê ngắn hạn trong căn hộ chung cư qua nền tảng Airbnb suốt 5 năm qua phân tích, trong các quy định trên không ghi cụ thể cấm căn hộ chung cư cho thuê ngắn hạn, mà chỉ ghi là cấm sử dụng vào mục đích không phải để ở. Trong khi người thuê căn hộ là dùng vào mục đích để ở, lưu trú. Người cho thuê căn hộ qua Airbnb và các nền tảng khác cũng để phục vụ mục đích để ở, lưu trú của người khác. Họ không dùng căn hộ để bán cà phê, bán hàng ăn, quán nhậu, kinh doanh các loại hình dịch vụ khác.
“Chỉ vì cụm từ “không phải để ở” mà một số cử tri TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong cuộc họp gần đây đề nghị Bộ Xây dựng cấm luôn loại hình lưu trú ngắn hạn tại chung cư là có phù hợp hay không? Đó là chưa kể lưu trú trong căn hộ là xu hướng du lịch của toàn cầu, rất phổ biến ở châu Âu, Mỹ. Trong 5 năm tôi làm Airbnb, nhiều khách nước ngoài - chủ yếu là khách Tây - nói với tôi họ không thích ở khách sạn, vì phòng khách sạn nào hầu như cũng giống nhau, không có sự đặc trưng, không có tính cách của thành phố nơi họ tới du lịch, không thể hiện được tâm hồn của một cư dân địa phương.
Trong khi đó, căn hộ Airbnb luôn có rất nhiều điểm khác biệt, mang cá tính, thể hiện được phong cách sống của người chủ hộ. Điều đó khiến người đi du lịch khi trở về một căn Airbnb thấy mình cảm giác được về nhà, sau một ngày dài thăm thú. Chưa kể với những người có thời gian lưu trú dài hơn như 1 - 2 tuần, họ càng có nhu cầu ở căn hộ, vì ở đó họ được tự do nấu nướng, giặt giũ, mà không phải phụ thuộc vào dịch vụ bên ngoài hay dịch vụ của khách sạn. Bên cạnh đó, lưu trú trong căn hộ cũng là một mảng lớn của nền kinh tế chia sẻ. Điều chúng ta cần làm là điều chỉnh để luật được cập nhật theo thị trường thay vì cứ không quản lý được là cấm”, chị An Phương nói.
Nhu cầu thị trường là có thực
Cũng theo chị An Phương, lưu trú trong căn hộ đã và đang mang lại cho thị trường sự phong phú, đa dạng về dịch vụ. Khách đến có nhiều lựa chọn tốt, không bị phụ thuộc vào một loại hình dịch vụ, khiến họ bị hạn chế trong sự lựa chọn và trong sự trải nghiệm của chính họ.
Với những người có thời gian lưu trú dài hơn như 1 - 2 tuần, họ càng có nhu cầu ở căn hộ, vì ở đó họ được tự do nấu nướng, giặt giũ, mà không phải phụ thuộc vào dịch vụ bên ngoài hay dịch vụ của khách sạn. Bên cạnh đó, lưu trú trong căn hộ cũng là một mảng lớn của nền kinh tế chia sẻ (Chị An Phương).
Còn những lo ngại trong loại hình lưu trú ngắn hạn ở chung cư dẫn tới tệ nạn như ma túy, mại dâm, tội phạm công nghệ cao... thì vẫn có thể xảy ra trong các mô hình lưu trú khác như khách sạn, nhà ở riêng lẻ, biệt thự... Điều quan trọng là giải pháp để kiểm soát, quản lý và làm cho nó tốt hơn, chứ không phải cấm hay bít cửa thị trường.
Thực tế, nhu cầu thị trường là có thực. Thế nên thời gian qua, nhiều người đã đi “săn” các căn hộ chung cư để cải tạo thành các căn hộ dịch vụ, căn hộ homestay để cho thuê theo ngày, thậm chí theo giờ.