Cổ phiếu chứng khoán: “nóng” sắp “bỏng”
(Tài chính) Chỉ trong khoảng thời gian gần 3 tháng từ đầu năm đến nay, cổ phiếu các công ty chứng khoán đã có mức tăng điểm ấn tượng, trong đó, có mã tăng đến trên 110%, đẩy định giá cổ phiếu lên mức khá cao so với mặt bằng chung. Dường như, thị trường đang kỳ vọng quá đà vào đợt hồi phục của thị trường chứng khoán đối với nhóm cổ phiếu này.
Tăng giá ấn tượng
Phiên giao dịch ngày 19/3/2014, cổ phiếu HCM của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đóng cửa ở mức 43.400 đồng/cổ phiếu. Xét về tương quan tuyệt đối, đây chưa phải mức giá kỷ lục mà HCM đã đạt được trong quá khứ, nhưng tính theo giá điều chỉnh, cổ phiếu HCM đang đạt mức cao nhất trong lịch sử niêm yết.
Sang phiên giao dịch ngày 20/3, HCM giảm giá nhẹ về 43.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, cổ đông HCM ghi nhận mức tăng giá 75,51% tính từ đầu năm 2014 đến nay.
Tương tự HCM, cổ phiếu SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) từng đóng cửa ở mức 29.300 đồng/cổ phiếu, là đỉnh của khoảng 3 năm gần đây (tính theo giá điều chỉnh). Hai phiên gần nhất, SSI giảm nhẹ về mức 28.700 đồng/cổ phiếu cuối ngày 20/3, đạt mức tăng 59,44% tính từ đầu năm nay.
SSI, HCM được coi là 2 mã chứng khoán lớn (cả về quy mô niêm yết lẫn vị thế hoạt động) trên thị trường, và đều ghi nhận mức tăng giá ấn tượng. Nhưng, mức tăng giá lớn nhất trong cùng khoảng thời gian qua lại thuộc về cổ phiếu VIG của Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đầu năm nay, VIG chỉ có giá 3.200 đồng/cổ phiếu, đóng cửa ngày hôm qua, 20/3, giá VIG là 6.800 đồng/cổ phiếu, tăng 112,5%.
Với mức tăng giá thấp nhất là 31,71% (của cổ phiếu VIX của Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành), cổ phiếu các công ty chứng khoán niêm yết xứng đáng được coi là nhóm ngành đầu tư rất hiệu quả của quý I/2014.
Cẩn trọng… bỏng tay
Để giải thích cho đà tăng điểm ấn tượng của nhóm cổ phiếu này, có rất nhiều lý do chính đáng, đến từ các yếu tố cơ bản.
Trên thực tế, thanh khoản thị trường tăng mạnh suốt đầu năm qua giúp thu nhập từ hoạt động môi giới, dịch vụ tài chính của các công ty chứng khoán được cải thiện mạnh.
Thêm vào đó, với việc toàn thị trường tăng điểm ấn tượng, các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi mạnh từ mảng tự doanh. Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng hơn, vì kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán sẽ được cải thiện mạnh do hoạt động chốt lời danh mục đầu tư, hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán trong năm trước.
Kỳ vọng là vậy, nhưng liệu sự kỳ vọng của nhà đầu tư có quá đà?
Trả lời báo chí trước đó, ông Johan Nyvene, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc HSC cho biết, tự doanh không phải là hoạt động chính của HSC. Tất nhiên, đứng trước cơ hội thị trường tăng điểm ấn tượng, HSC vẫn tận dụng cơ hội kiếm lời, nhưng để mang lại lợi nhuận đột biến, phù hợp với mức định giá hiện nay (P/E khoảng 19,19 lần), lại là điều không dễ. Với cổ phiếu KLS của Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long, 2 lý do giúp KLS tăng giá mạnh thời gian qua là kỳ vọng hiệu quả tốt của danh mục đầu tư cũng như thông tin xin tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 65% vốn điều lệ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Vĩnh Thành, Tổng giám đốc KLS cho hay, về hoạt động kinh doanh, với Kim Long, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Với danh mục đầu tư, đúng là từ nay đến cuối quý I/2014, nếu thị trường không có thay đổi nhiều, KLS có thể hoàn nhập dự phòng khoảng vài chục tỷ đồng.
“Với thông tin xin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, đây đơn giản là việc chuẩn bị để khi có Nghị định mới thay thế Quyết định 55 về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, Công ty sẽ đỡ phải thực hiện xin ý kiến cổ đông để sửa điều lệ, chứ không phải do Công ty đã chốt được nhà đầu tư chiến lược nào”, ông Thành cho biết.
Hiện nay, với mức định giá P/E các cổ phiếu công ty chứng khoán chủ yếu ở mức trên 17 lần, P/B bình quân giản đơn khoảng 1,14 lần, xác suất để nhóm cổ phiếu ngành này bị điều chỉnh là khá lớn, nhất là khi dòng tiền đổ vào đây chủ yếu là ngắn hạn.