Cổ phiếu ế: Đừng để thành… xu thế

Theo Thời báo Kinh doanh

Số lượng cổ phiếu không có giao dịch hoặc chỉ được giao dịch cầm chừng với một khối lượng rất ít đang ngày một nhiều hơn.

Cổ phiếu ế: Đừng để thành… xu thế
Chuyện mua bán cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc vào các nhà đầu tư chứ không phải DN quyết. Nguồn: Internet
Đã qua rồi cái thời cổ phiếu nào cũng được mua, hay cứ mua là thắng, sự phân hóa ngày càng khắc nghiệt hơn bao giờ hết, nên việc có những cổ phiếu không được ai ngó ngàng đến cũng là... xu thế tất yếu.

Nhưng cái gì quá cũng không tốt, vậy nên nếu xu thế này lan rộng thì sẽ có vô số những ảnh hưởng kèm theo. Có thể ví cổ phiếu không có giao dịch như một cơ thể kiệt quệ, có nghĩa là có tác động vào thì cũng không dễ thay đổi.

Lỗi tại doanh nghiệp?

Cổ phiếu không có giao dịch, tức khối lượng giao dịch bằng 0, xuất phát từ một số nguyên nhân: có lượng bán ra nhưng không có người mua hoặc ngược lại, bên bán và bên mua không đồng nhất một mức giá, không có cả người bán lẫn người mua… Dù cổ phiếu rơi vào nguyên nhân nào thì hệ quả là vô cùng đáng ngại vì nó cho thấy một điều rất đơn giản nhưng rất phũ phàng là không còn ai thèm ngó ngàng đến nữa.

Doanh nghiệp (DN) khi đã niêm yết thì tất nhiên phải quan tâm đến diễn biến cổ phiếu của mình trên sàn tăng giảm ra sao, ai mua ai bán. Có những DN còn theo dõi rất chặt các giao dịch liên quan đến cổ phiếu của mình để tránh những trường hợp bị gom mua, thâu tóm…

Và tất nhiên, những cổ đông lớn, lãnh đạo DN và cổ đông nội bộ cũng sẽ theo dõi giá cổ phiếu để biết tài sản của mình có giá đến mức nào. Chưa kể, dù những người điều hành có không sành sỏi hay thích "đánh đấm" cổ phiếu thì cũng phải theo dõi chút ít để khi ra đại hội cổ đông còn có cái mà đối đáp, trao đổi với cổ đông.

Nói tóm lại, có rất nhiều lý do buộc DN dù muốn dù không cũng phải chú ý đến giá cổ phiếu. Có lẽ, là dân kinh doanh ai cũng hiểu về tầm quan trọng của thanh khoản, đương nhiên họ cũng hiểu những rủi ro khi cổ phiếu của mình bị ế trên thị trường chứng khoán.

Vậy tại sao đã biết, đã thấy nhưng sự thể vẫn xảy ra, phải chăng các DN bất lực? Câu trả lời là có, cũng có thể là không. Bởi chuyện mua bán cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc vào các nhà đầu tư chứ không phải DN quyết. Nhưng cũng nên biết rằng, việc giữ cho thanh khoản của cổ phiếu được ổn định, cũng như duy trì một cơ thể có đủ nước để sống không khó.

Loại bỏ những cách làm tiêu cực ngoài luồng như tự mua tự bán thì DN vẫn còn đó vô số cách thức để củng cố thanh khoản cho cổ phiếu. Chẳng hạn như DN chủ động công bố thông tin, tạo mối liên kết với các nhà đầu tư. Hay thậm chí một số cổ đông nội bộ cũng có thể mua bán, trong phạm vi cho phép, để góp phần củng cố cung - cầu trên thị trường.

Vậy nên có thể nói chắc một điều rằng cổ phiếu mất thanh khoản thì ngoài việc xem xét thị trường, nhà đầu tư thì DN nên thấy được phần lỗi của chính mình. Đáng nói hơn nữa, nếu nhìn vào những cổ phiếu không có giao dịch, có những mã chất lượng không đến nỗi nào, thậm chí có một số mã có tiềm năng, trong khi nhiều cổ phiếu chất lượng kém, lại được giao dịch "ầm ầm".

Ăn xổi rồi buông?

Không có gì bỏ hoang, không nuôi dưỡng, không quan tâm mà tốt đẹp được cả, thanh khoản của cổ phiếu cũng như vậy mà thôi. Vậy vì sao DN lại đi "hắt hủi" chính cổ phiếu của mình. Nhìn ở góc độ lợi ích thì cái gì có lợi thì nhiều người thích, nhiều người sẽ chọn, sẽ làm và ngược lại.

Cứ nhìn thị trường chứng khoán trồi sụt, rồi tình hình hiện nay cũng khó lòng bán cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư, vậy nên có thể (tạm) kết luận cổ phiếu trong lúc này chẳng có lợi ích gì? Để tìm câu trả lời hãy nhìn lại một giai đoạn đã qua của thị trường chứng khoán, nhất là từ 2006 - 2009, sẽ thấy nhiều DN lên sàn chỉ vì những mục đích này thật.

Lên sàn để lãnh đạo DN, cổ đông lớn bán ra, lên sàn để phát hành cổ phiếu, chia thưởng rồi xong. Không ít DN với công thức này đã "lấy tiền" của thị trường một cách ngon lành và sau đó nếu không "chìm" thì cũng "xìu xìu". Nó mâu thuẫn hẳn với việc lên sàn, huy động vốn, DN tiếp tục phát triển, đem lại lợi ích cho cổ đông.

Nếu nhìn một cách ôn hòa hơn, tức là DN cũng muốn "cứu" thanh khoản, cũng lo lắng nhưng vì thị trường nên lực bất tòng tâm, không tìm ra được cách gì thì cũng có cái để mà nói. Đó là những phương án ứng phó, những quan điểm, tầm nhìn liên quan đến cổ phiếu của DN là rất có vấn đề. Mà thị trường chứng khoán vốn khắc nghiệt, không dành cho những kẻ ngờ nghệch.