Cổ phiếu hấp dẫn, nhà đầu tư ngoại vẫn nghi ngại về xử lý nợ xấu
(Tài chính) Mặc dù được đánh giá là cổ phiếu có nhiều triển vọng trong thời gian tới, nhất là sau khi ngành ngân hàng Việt Nam trải qua cuộc đại phẫu lớn, song trước tình hình nợ xấu và cách xử lý nợ chưa triệt để hiện nay, nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại chưa phải là thời điểm rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng.
Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Saigon Asset Management (SAM), cổ phiếu ngân hàng thực tế vẫn hấp dẫn NĐT nước ngoài, nhưng do chưa có sự rõ ràng về xử lý nợ xấu, tái cấu trúc, nên vẫn còn những e ngại đối với NĐT trong việc tìm kiếm cơ hội rót vốn.
“Chúng tôi từng đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng của Việt Nam, nhưng hiện đã rút ra. Gần đây, cổ phiếu ngân hàng lên xuống thất thường và chưa thực sự tăng trưởng ổn định nên chúng tôi vẫn đứng ngoài quan sát”, ông Louis nói và cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng hiện cũng chưa thể bền vững ở giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ngân hàng luôn được xem là lĩnh vực quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế nên sẽ triển vọng sau khi tái cơ cấu.
Một trong những vấn đề khiến các NĐT nghi ngại chính là việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, nợ xấu của ngành ngân hàng chỉ mới được luân chuyển từ các NHTM sang VAMC, còn thực tế, việc xử lý nợ xấu vẫn còn khó khăn nhất định buộc ngân hàng gia tăng khoản dự phòng.
Chủ đề nợ xấu và đầu ra của nợ xấu cũng là một trong những nội dung trọng tâm được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại Hội nghị Vietnam Access Day vừa diễn ra tại TP. HCM. Các NĐT nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu, thay vì chỉ kéo giãn thời gian xử lý nợ như hiện nay.
Trên thực tế, việc nợ xấu tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các ngân hàng nói riêng và cả hệ thống nói chung. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu hiện nay vẫn chưa có được một kết quả rõ ràng và giải quyết triệt để. Vì thế, dù cổ phiếu ngân hàng Việt Nam luôn được đánh giá tiềm năng, song không phải cổ phiếu của nhà băng nào cũng được các NĐT nước ngoài lựa chọn.
“Cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên TTCK thời gian qua vẫn được các NĐT trong và ngoài nước quan tâm. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả cổ phiếu của các ngân hàng đều trong tầm ngắm của họ, mà chỉ có một số mã như: VCB, BID, ACB, MBB, STB... được quan tâm khi giá cổ phiếu vẫn còn thấp hơn so với giá trị thực”, ông Michel Tosto, Giám đốc Dịch vụ cổ phiếu & trái phiếu - khách hàng tổ chức CTCK Bản Việt nói.
Thực tế, cổ phiếu của VCB và 4 ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất Việt Nam đã tăng bình quân 23% trong 3 tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2013 và gấp đôi mức tăng của khu vực. Theo Bloomberg, cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam đang tăng nhanh nhất châu Á. Niềm tin của các NĐT vào ngành ngân hàng đang tăng lên sau khi VAMC đã mua 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu và Chính phủ khuyến khích M&A ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của ngành đã giảm từ 17% xuống 3,25% sau 2 năm tái cấu trúc.
Với các ngân hàng lớn là vậy, nhưng với những nhà băng đang trong quá trình tái cấu trúc, việc xử lý nợ xấu, làm sạch bảng cân đối, bước đầu cũng đã thu hút được sự quan tâm của NĐT. Chẳng hạn tại SCB, sau khi kiểm soát nợ xấu về ngưỡng rất thấp 0,5% cuối năm qua, nhà băng này đã nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài, thể hiện bằng việc tham gia của 2 quỹ đầu tư Hồng Kông (sở hữu 15% vốn điều lệ của Ngân hàng) trong đợt tăng vốn từ hơn 12.000 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
Tuy vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn không ít ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động kém. Vì thế, trước làn sóng M&A ngân hàng đang nóng dần theo chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu của NHNN, Chủ tịch HĐQT SAM ông Louis cho rằng, việc một số ngân hàng lớn phải “cứu” ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khiến cho lợi nhuận của nhà băng lớn khó có thể tránh được ảnh hưởng trong những năm đầu khi tiến hành M&A. Điều này cũng được NĐT xem xét trước khi đầu tư vào ngân hàng lớn.
Kể từ khi hoạt động vào tháng 7/2013 đến cuối năm 2014, VAMC đã mua nợ xấu từ gần 40 ngân hàng, với tổng giá trị gần 100 nghìn tỷ đồng và có kế hoạch đẩy mạnh việc mua nợ xấu lên khoảng 200 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015. Thống đốc NHNN cũng đã cam kết đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu bằng cách bắt buộc một số nhà băng quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém M&A. Theo kế hoạch, NHNN sẽ cắt giảm số lượng ngân hàng từ con số 40 như hiện nay xuống còn 20 ngân hàng vào năm 2017. Năm nay, NHNN dự kiến có 6 thương vụ sáp nhập. Ngoài ra, trong quá trình tái cơ cấu, nếu nhà băng nào có nhu cầu bán vốn cho nước ngoài sẽ được cho phép nâng room vượt quy định 30% hiện hành sau khi Thủ tướng cho phép. Thế nhưng, đây cũng chỉ là một trong những yếu tố xem xét trước khi quyết định đầu tư của các NĐT nước ngoài.