Cổ phiếu nào có khả năng tăng giá cuối năm?
(Tài chính) Dự báo thị trường thời gian tới, nhận định chung đều cho rằng, cổ phiếu chứng khoán sẽ còn tiếp tục “chạy” do quy mô giao dịch và diễn biến thị trường từ đầu năm đến nay khá tích cực, tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các Công ty chứng khoán.
Đối với những nhóm ngành khác, có nhiều quan điểm trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, cổ phiếu dầu khí sẽ khó có thể tiếp tục tăng vì đã tăng khá mạnh trong vòng một năm qua. Trong khi đó, cũng có nhận định, dù đã tăng mạnh, nhưng so với các ngành khác, cổ phiếu dầu khí vẫn chưa phải là đắt và quan trọng hơn, nền tảng của sự tăng điểm này phản ánh đúng thực chất kết quả kinh doanh khả quan của các công ty trong ngành.
Với nhóm bất động sản, theo nhân viên môi giới một số Công ty chứng khoán (CTCK), ngành này sẽ có sóng tăng vào cuối năm, bởi sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, nhiều doanh nghiệp bắt đầu rục rịch chuyển mình với những thông tin như việc tìm được đối tác chiến lược, phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ và dòng tiền, hoàn thành dự án này, dự án kia… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có CTCK cho rằng, kể từ khi “rục rịch” cho đến khi nhìn thấy kết quả là cả một chặng đường dài, nhiều công ty bất động sản hiện vẫn còn là những “gã khổng lồ… bằng giấy”.
Ngoài ra, yếu tố mùa vụ cũng được nhiều CTCK lưu ý khách hàng khi đưa ra các khuyến nghị đầu tư. CTCK Rồng Việt (VDSC) liệt kê cổ phiếu một số ngành được đánh giá sẽ có nhiều triển vọng trong những tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ và hưởng lợi từ sự sụt giảm giá nguyên liệu như thủy sản, dệt may, cao su săm lốp và dược. Cụ thể, nhóm thuỷ sản có FMC, HVG và VHC; dệt may có TCM; cao su săm lốp có CSM và DRC; dược phẩm có DCL, DHG và IMP.
CTCK Nhất Việt (VFS) đưa ra danh sách gồm 10 cổ phiếu có yếu tố mùa vụ tập trung trong 6 tháng cuối năm dựa theo 3 tiêu chí: thứ nhất, yếu tố mùa vụ được xác định bằng tỷ trọng doanh thu 6 tháng cuối năm so với tổng doanh thu cả năm giai đoạn 2010 - 2013, đồng thời con số này trung bình phải lớn hơn 55%.
Hai là, cổ phiếu phải có tính thanh khoản, với khối lượng giao dịch trung bình tối thiểu 50.000 cổ phiếu/phiên. Ba là, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2014 dự kiến tăng trưởng so với cùng kỳ.
Vấn đề cần quan tâm tiếp theo là giá các cổ phiếu này đã tăng, giảm như thế nào trong những tháng qua và liệu có còn dư địa để tiếp tục tăng trong thời gian tới?
Theo thống kê của VFS, 3 tháng qua, trong 10 cổ phiếu trên, ngoại trừ CMI chưa tăng, giá tất cả các cổ phiếu còn lại đều đã tăng trên 2 con số, trong đó CVT tăng mạnh nhất, đến 159,8%. CVT, vì thế, cũng chính là cổ phiếu đang có những dấu hiệu về mặt kỹ thuật cho thấy khả năng điều chỉnh có thể xảy ra. Hầu hết các cổ phiếu còn lại, theo VFS, đều thuộc vùng tích luỹ hoặc nằm trong kênh tăng điểm.
Tuy nhiên, tính chu kỳ cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố cần xem xét khi quyết định đầu tư. Trong tháng 10 này, các nhà đầu tư vẫn đang hướng sự tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng “rò rỉ” tin tốt hoặc được các CTCK dự báo kết quả kinh doanh khả quan trong quý III.