Cổ phiếu nào “dậy sóng” trong tháng 12?
Theo SSI Research, động lực tăng giá của VN-Index vẫn còn trong tháng 12, nên các nhà đầu tư có thể quan tâm đến những nhóm cổ phiếu có triển vọng tích cực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có đến 49 ứng viên vắc xin Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm. Cuộc đua điều chế vắc xin Covid-19 đang tăng tốc khi 3 nhà phát triển Pfizer-BioNTec, Moderna, Oxford-AstraZeneca lần lượt công bố hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh trên 90% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và hướng đến việc sản xuất vào năm 2021.
Trên thực tế, tiến trình từ cấp phép đến khi có thể sản xuất và phân phối đại trà vắc xin có thể không diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các thông tin về diễn biến tích cực của vắc-xin đã và đang tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.
Tại TTCK Việt Nam, VN-Index đã vượt cột mốc kháng cự tâm lý mạnh nằm tại 1.000 điểm vào cuối tháng 11. Khối lượng giao dịch liên tục đi lên cho thấy dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào thị trường, đây là động lực rất lớn giúp VN-Index hồi phục nhanh trở lại sau những nhịp điều chỉnh.
Tăng trưởng về điểm số trong tháng 11 đã đưa hệ số P/E 2020 và 2021 của nhóm cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research lên lần lượt 18,6 lần và 15,3 lần vào ngày 01/12, cao hơn so với mức 17,49 lần và 14,3 lần được cập nhập vào ngày 06/11. So với các nước trong khu vực, hệ số P/E hiện tại của Việt Nam cũng cho thấy một mức hấp dẫn khi nhìn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và năm 2021.
Trong số 13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI Research (chiếm 27,4% vốn hóa HOSE) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2020 với tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu loại trừ mức sụt giảm 21% LNTT của VCB, LNTT của nhóm ngân hàng trong quý III đã tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh và chi phí hoạt động chậm lại. Đáng chú ý, có diễn biến trái chiều về mức trích lập dự phòng giữa các NHTM nhà nước và NHTM CP khi VCB và CTG có mức trích lập dự phòng tăng từ 35% -39% thì ở nhóm NHTM CP lại giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2. Do đó, SSI Research nâng đánh giá lên khả quan đối với nhóm ngành ngân hàng trong năm 2021. Triển vọng và các thông tin liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong quý IV/2020, qua đó cũng sẽ tác động tích cực lên thị trường chung.
Theo SSI Research, động lực này hiện vẫn đang mạnh mẽ, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục đi lên và tiệm cận vùng kháng cự 1.030-1.040 điểm trong thời gian tới.
Dù lạc quan với đà tăng của thị trường, SSI Research cũng lưu ý về rủi ro khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới ngay tại TP. Hồ Chí Minh và rủi ro điều chỉnh kỹ thuật khi VN-Index tiến gần đến 1.030 điểm- mốc cao nhất hình thành từ cuối năm 2018 và cả năm 2019. Nhịp thoái lui, nếu có, sẽ được hỗ trợ bởi vùng 986 điểm, đây là cơ hội nhà đầu tư có thể tận dụng để tìm kiếm lợi nhuận tốt trong xu hướng tăng chủ đạo của thị trường.
Theo SSI Research, đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, các nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào CTG, MBB và TCB. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu có nhiều triển vọng trong quý IV/2020, như GMD, DXG, SZC, FPT và VHC.
Ngoài ra, đây vẫn là thời điểm tốt để quan tâm đến các cổ phiếu thuộc các ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh năm nay và có khả năng bật lại tích cực năm 2021 như MWG, PLX và SAB. Đặc biệt, nhóm ngành đường (QNS, SBT) dự kiến cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ trong năm 2021 bên cạnh việc giá đường tăng.