Có tiền nhàn rỗi, nên mua chứng chỉ tiền gửi
Để đảm bảo và gia tăng lợi ích, người gửi tiền có thể tìm hiểu thêm các chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi mà các NH đang triển khai.
Mới đây, NH TMCP Việt Á (VietA Bank) triển khai chương trình Chứng chỉ tiền gửi “Gắn kết – Phát triển” cho khách hàng DN, đặc biệt là các DN thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Theo đó, chứng chỉ tiền gửi ghi danh này sẽ được áp dụng loại tiền Việt Nam đồng với lãi suất thấp hơn tiền gửi thông thường. Chương trình áp dụng đối với các kỳ hạn 1, 3, 6 hoặc 9 tháng, mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng và trả lãi cuối kỳ. VietA Bank sẽ thanh toán gốc và lãi một lần vào ngày đến hạn. Các DN có thể phát hành và thanh toán tại tất cả các đơn vị kinh doanh của NH Việt Á trên toàn quốc.
Như vậy, khi sử dụng phương thức này, nguồn tiền nhàn rỗi của DN sẽ được sinh lời tối đa nhờ mức lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt, bên sở hữu chứng chỉ được tự do chuyển nhượng cho bên thứ 3 và có thể sử dụng chính chứng chỉ này làm tài sản cầm cố để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Nếu cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại VietA Bank, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường.
Hiện nay, VietA Bank cam kết bảo mật thông tin cũng như hỗ trợ tối đa để mọi giao dịch liên quan được thực hiện nhanh chóng, chính xác và đúng hạn.
Trước đó, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi trung hạn dành cho khách hàng cá nhân và DN với mệnh giá huy động tối thiểu là 10 triệu đồng/chứng chỉ tiền gửi cho các kỳ hạn 12, 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ; mức lãi suất là 9,78%/năm. Tuỳ theo mức gửi, khách hàng còn được cộng thêm lãi suất bậc thang tối đa là 0,3%/năm…
Thực tế, loại hình phát hành chứng chỉ tiền gửi, huy động vốn qua tài khoản tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá… được triển khai từ lâu tại các NH lớn như VietinBank, BIDV, Vietcombank…
Nói về hạn chế của loại hình này so với loại hình gửi tiết kiệm thông thường là có. Chẳng hạn, với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng không được thanh toán trước hạn. Nếu có nhu cầu về vốn mà giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán, người gửi chỉ có thể cầm cố với giá vay vốn cao hơn lãi suất gửi.
Như vậy, lợi tức cao của giấy tờ có giá sẽ giảm đi rất nhiều nếu khách hàng thực hiện việc “cầm cố”. Chưa kể, NH cho phép khách hàng chủ động nguồn vốn đột xuất bằng cách thanh toán trước hạn thì mức lãi suất mà khách hàng được hưởng không còn hấp dẫn như lúc đầu…
Tuy nhiên, những điều trên chỉ quy định cho một số ít trường hợp khách hàng nảy sinh vấn đề đặc biệt đối với tài chính. Còn lại, đối với những khách hàng có kế hoạch tài chính rõ ràng, thì những cái được từ sản phẩm là rất lớn.
Cụ thể, so sánh với mức lãi suất huy động thông thường 5-7%/năm như hiện tại, khách hàng gửi chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài thì mức lãi suất chênh lệch khá cao. Ví dụ, với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất khoảng 7%/năm; 9 tháng là 8%/năm; 12 tháng hơn 8%/năm; 24 tháng hơn 8,6%/năm và 36 tháng có thể lên đến 9%/năm…
Ngoài những ưu đãi về lãi suất, các NH còn có chính sách khuyến mại đối với các khách hàng sử dụng sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với giá trị lớn, cụ thể đối với khách hàng DN, NH không chỉ ưu đãi thêm lãi suất mà còn cho phép khách hàng “cầm cố” chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hợp lý…
Nhìn chung, đây là sản phẩm ưu việt mà khách hàng có thể lựa chọn để gửi vì sản phẩm đáp ứng được nhu cầu về lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn. Có điều, để hạn chế rủi ro không cần thiết, khách hàng cần tính toán kỹ, chỉ nên chọn gửi khi đã có kế hoạch tài chính rõ ràng.
Trong trường hợp dòng tiền cần linh hoạt thì lựa chọn những kỳ hạn chứng chỉ tiền gửi ngắn hơn, thậm chí, phải tìm hiểu trước lãi suất cầm cố là baonhiêu...