Con đường đi tới sự thịnh vượng chung ASEAN

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) 1.000 khách mời, là nhà quản lý, lãnh đạo các DN thuộc 10 quốc gia ASEAN đã hội tụ tại Malaysia, tham dự Hội nghị thượng đỉnh các CEO ASEAN trong ngày 12/2/2015. Hội nghị có chủ đề “Xu hướng tiêu dùng mới, con đường đi đến sự thịnh vượng của cộng đồng ASEAN”, do Sở GDCK Bursa Malaysia cùng Tập đoàn Maybank - Tập đoàn tài chính lớn nhất tại Malaysia đồng tổ chức.

Con đường đi tới sự thịnh vượng chung ASEAN
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát biểu khai mạc, ông Tajuddin Atan, Tổng giám đốc Sở GDCK Bursa, Malaysia cho biết, Hội nghị tạo diễn đàn thảo luận giữa các CEO trong khu vực trong mục tiêu chia sẻ ý tưởng khả thi để thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của khu vực ASEAN. Mục tiêu đặt ra là khu vực kinh tế ASEAN sẽ trở thành một thị trường thống nhất, là ngôi nhà chung của trên 600 triệu người dân trong khu vực. Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak là khách mời danh dự của sự kiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Malaysia cho rằng, trong vòng 10 năm tới, ASEAN ước tính sẽ có 125 triệu hộ gia đình, với thu nhập bình quân ước khoảng 7.500 USD/người. Con số này sẽ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, với 620 triệu dân, “ngôi nhà” ASEAN chiếm đến 10% dân số toàn cầu, trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới, vượt qua Mỹ và EU, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

“Nếu chúng ta kết nối thành một khối thống nhất, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, với tổng GDP ước tính 4.000 tỷ USD vào năm 2020”, Thủ tướng Malaysia nói.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Najib Razak cảm ơn thế hệ trẻ ASEAN, một thế hệ mà theo ông là rất năng động, nhạy bén với sự thay đổi của công nghệ và chủ động kết nối với thế giới, hơn tất cả những thế hệ trước đó. Ông tin rằng, lợi ích của một nền kinh tế hội nhập sẽ đến với tất cả các quốc gia từ sự kết nối này.

Liên quan đến TTCK, Thủ tướng Malaysia cho biết, sự có mặt của lãnh đạo 7 Sở GDCK trong ASEAN (trong đó có Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội) là một minh chứng cho thấy, những gì các nền kinh tế ASEAN có thể cùng làm. Ba năm trước, sáng kiến kết nối các Sở Giao dịch chứng khoán ASEAN đã được đưa ra, nhằm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư quốc tế mới và nâng cao tính thanh khoản cho thị trường vốn khu vực.  

Sự hợp tác giữa các Sở GDCK ASEAN tạo nên một con đường mới, mở rộng sự hợp tác khu vực, tạo nên mặt bằng giá chuẩn mực cho các sản phẩm tài chính ASEAN.

Có rất nhiều thách thức trong việc thiết lập sâu hơn mối quan hệ thể chế và hạ tầng thị trường giữa các quốc gia, nhưng Thủ tướng Malaysia tin rằng, nền kinh tế ASEAN sẽ phát triển, trở thành nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia đến từ Maybank, McKinsey’s cùng nhiều diễn giả nổi tiếng đã thảo luận về động lực mới trong các mối quan hệ hợp tác, phát triển đặc thù của Khu vực ASEAN và sự chuyển biến mạnh mẽ của thế hệ người tiêu dùng mới. Điểm thống nhất chung trong cuộc thảo luận này là cần tạo động lực và môi trường cho những sáng kiến phát triển của giới trẻ, tôn trọng sự khác biệt, đồng thời phát triển nền kinh tế tập trung mạnh mẽ vào yếu tố công nghệ, để gia tăng lợi ích cho mỗi quốc gia.

Trong khuôn khổ Hội nghị còn có diễn đàn riêng dành cho cácn giới nữ, chia sẻ kinh nghiệm, giới nữ làm thế nào để tạo dựng thương hiệu của mình trong bối cảnh nền kinh tế khu vực kinh tế ASEAN đang có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Liên quan đến thị trường tài chính, Hội nghị dành không gian kết nối sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp trên toàn khu vực đến thị trường Malaysia, Singapore, Thailand, Indonesia, Phillippines và Việt Nam.

Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chủ trì cuộc làm việc với những người quan tâm đến Việt Nam, chia sẻ về hình ảnh một TTCK trẻ và rộng mở cơ hội cho nhà đầu tư ngoại.

Xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thống nhất bao gồm hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và thương mại và hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ là mục tiêu các nhà lãnh đạo ASEAN đặt ra trong năm 2015. Các biện pháp để đi đến mục tiêu này đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai trong khuôn khổ các thỏa thuận và hiệp định của ASEAN.

AEC là sự đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN và bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN là nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao vào năm 2020. Trong cộng đồng này, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lêch kinh tế-xã hội được giảm bớt...

Một trong các đặc trưng của AEC là xây dựng một khu vực có sự phát triển kinh tế cân bằng với hai yếu tố: phát triển các DN nhỏ và vừa và sáng kiến hội nhập ASEAN, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển ở các cấp độ DN.

Cùng với đó sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực để phát triển theo một định hướng thống nhất và tăng cường khả năng cạnh tranh của cả khu vực trên bản đồ kinh tế toàn cầu.