Con đường khởi nghiệp của một tỉ phú
Tại Việt Nam, start-up là từ thời thượng khi nói về những người khởi nghiệp, nhất là những người trẻ tuổi. Trong làn sóng khởi nghiệp ấy, có những người thành công và cũng có không ít người thất bại.
Tiến về phía trước
Hãng tin AFP kể về một tỉ phú, người xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Hàn Quốc như đã thành danh tại Nhật Bản. Đó là Masayoshi Son, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn SoftBank.
Nắm trong tay Quỹ tầm nhìn với nguồn vốn 100 tỉ đô la Mỹ, tập đoàn SoftBank của ông Masayoshi Son làm dậy sóng thế giới công nghệ trong những năm qua với những quyết định đầu tư và thâu tóm các công ty khởi nghiệp tiềm năng.
Có lần khi được hỏi về đường chân tóc ngày càng lùi phía sau đầu của ông do bị hói, ông Masayoshi Son, đáp trả: “tóc tôi không lùi về phía sau, nó đang tiến tới”. Đó là một câu trả lời phần nào nói lên tính cách mạnh mẽ và tự tin của nhà tài phiệt 60 tuổi, được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất Nhật Bản với tổng tài sản ước tính 22 tỉ đô la.
Tính cách đó cũng thể hiện qua hàng loạt thương vụ đầu tư của SoftBank trong thời gian gần đây, bao gồm thương vụ mua 15% cổ phần của hãng gọi xe Uber với giá 7,7 tỉ đô la vào ngày 28-12 vừa qua. Hồi tháng 4, một nhóm nhà đầu tư do SoftBank dẫn đầu đã đầu tư 5,5 tỉ đô la vào công ty gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc. Bốn tháng sau, Quỹ tầm nhìn của SoftBank quyết định rót 4,4 tỉ đô la vào công ty khởi nghiệp không gian làm việc chung lớn nhất thế giới WeWork (Mỹ).
Năm 2016, Masayoshi Son thực hiện thương vụ lớn nhất cuộc đời ông khi SoftBank và Quỹ tầm nhìn chi đến 32 tỉ đô la để thâu tóm hãng bán dẫn Arm Holdings (Anh). Lúc ấy, một số nhà đầu tư cho rằng vụ thâu tóm này không phù hợp với chiến lược của SoftBank. Tuy nhiên, Masayoshi Son đã phản ứng rằng: “Mọi người nghĩ đây là một bước đi ngu ngốc… Tuy nhiên, quyết định thâu tóm này là nước cờ đi trước 10, 20, thậm chí 50 bước”.
Masayoshi Son từng tuyên bố nghiêm túc rằng ông có kế hoạch phát triển 300 năm cho SoftBank và đặt mục tiêu xây dựng tập đoàn này trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Ông cũng tuyên bố sẽ đưa Quỹ tầm nhìn trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ trong 10 năm tới.
SoftBank cũng không ngại rót tiền vào những lĩnh vực nằm ngoài mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này, bao gồm quyết định đầu tư vào tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) ngay từ lúc công ty này mới thành lập. Tập đoàn này cũng không xa lạ gì với giới doanh nghiệp Mỹ. Năm 2012, SoftBank đã chi 20,1 tỉ đô la để mua 70% cổ phần của tập đoàn dịch vụ viễn thông lớn thứ tư của Mỹ Sprint.
Người đến từ tương lai
Thành công của Masayoshi Son hiện nay càng đáng được khâm phục hơn nếu biết rằng ông xuất thân từ một gia đình thấp kém và nghèo khó.
Ông sinh năm 1957 trong một gia đình có cha mẹ người gốc Hàn Quốc và sinh sống trên đảo Kyushu của Nhật Bản. Gia đình ông đã phải xoay xở mưu sinh bằng cách nuôi gà và heo.
“Hồi còn nhỏ ngồi trong chiếc xe đẩy, tôi gầy đến nỗi luôn cảm thấy đau bệnh. Bà nội của tôi kéo xe đẩy đi khắp khu xóm để gom thức ăn thừa về để cho gà ăn. Gia đình tôi làm việc cật lực và tôi cũng vậy”, Masayoshi Son phát biểu khi ông nhận một giải thưởng về kinh doanh vào năm 1996.
Ông tới Mỹ lúc 16 tuổi, sau đó theo học ngành kinh tế tại Đại học California, nơi ông bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Thành công lớn đến với chàng sinh viên Masayoshi Son khi ông xây dựng được phần mềm máy tính dịch tiếng Anh sang tiếng Nhật Bản. Ông đã bán phần mềm này cho hãng Sharp với giá một triệu đô la Mỹ.
Năm 1981, một năm sau khi trở về từ Mỹ, ông thành lập công ty SoftBank chuyên bán sỉ phần mềm và phát hành các tạp chí máy tính. Kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 1994, SoftBank liên tục gây chấn động truyền thông và giới doanh nghiệp Nhật Bản với chiến lược thâu tóm quyết liệt các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
“Ông ấy có một tính cách khác người. Ông ấy có một tầm nhìn dài hạn hơn nhiều nhà đầu tư khác”, David Gibson, nhà phân tích từ Ngân hàng đầu tư Macquarie (Úc), nhận xét về Masayoshi Son.
Còn Hong Lu, người đồng sáng lập Công ty dịch vụ hạ tầng viễn thông UTStarcom (Hồng Kông), từng làm việc với Masayoshi Son ở California cách đây 40 năm, thì cho rằng: “ông ấy như là người đến từ tương lai”.
Masayoshi Son cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch hơn và an toàn để thay thế cho điện hạt nhân ở Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011.
Masayoshi Son từng trả giá đắt vì sự quyết liệt và mạo hiểm của mình. Khi bong bóng cổ phiếu các công ty Internet (hay còn gọi là bong bóng dot-com) xì hơi vào năm 2010, tài sản của ông vơi đến 99% và chỉ trong một ngày, giá trị tài sản của ông bị thổi bay mất 70 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, SoftBank không sụp đổ vì vẫn còn những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn về sau này, bao gồm khoản đầu tư 20 triệu đô la ở Alibaba vào năm 1999, giờ đây đã phình lên 90 tỉ đô la nhờ sự phát triển bùng nổ của Alibaba. SoftBank đang cổ đông lớn nhất của Alibaba với lượng cổ phần nắm giữ hơn 30%.